Sắp có miếng dán ngừa COVID-19, tiêm vắc-xin không cần kim?
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances đã giới thiệu một loại miếng dán ngừa COVID-19 thế hệ mới, có thể giúp chấm dứt những buổi tập trung chờ đợi tiêm vắc-xin.
Miếng dán thật ra là một công cụ để bạn có thể... tự tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mà không cần kim, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà virus học David Muller từ Đại học Queensland (Úc). Nghiên cứu vừa thành công trên các thử nghiệm động vật và đang tiến tới thử nghiệm lâm sàng.
Các nhà khoa học tại nơi nghiên cứu - Ảnh: Đại học Queensland
Miếng dán dạng tròn được phủ một lớp vắc-xin COVID-19, được gắn chặn vào một vật tròn như quả bóng khúc côn cầu. Bạn chỉ cần đơn giản dán nó vào da.
Trên miếng dán có hơn 5.000 gai siêu nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy, không thể làm bạn đau, thậm chí là không đủ để gây ngứa.
Theo Medical Xpress, kết quả thử nghiệm cho thấy việc sử dụng miếng dán mang lại hiệu quả tương đương việc tiêm bắp - phương pháp được dùng khi tiêm ngừa vắc-xin COVID-19.
Phát minh này hứa hẹn giải quyết nhiều vấn đề. Việc dán miếng dán quá đơn giản nên sẽ không cần thao tác chuyên nghiệp của nhân viên y tế. Nếu người dân có thể dùng miếng dán tự "tiêm chủng" tại nhà thì sẽ không cần tốn công sức cho những buổi tiêm chủng tập trung với nguy cơ lây nhiễm, phù hợp với bối cảnh cần tiêm chủng diện rộng và nhất là nếu hệ thống y tế nơi nào đó đang quá tải vì việc điều trị.
Tiến sĩ David Muller và sản phẩm mới - Ảnh: Đại học Queensland
Ngoài ra, miếng dán cũng sẽ giải quyết nỗi sợ kim tiêm ám ảnh nhiều người, đồng thời giúp việc tiêm vắc-xin cho trẻ nhỏ được dễ dàng hơn.
Vắc-xin được sử dụng trên miếng dán là loại dùng công nghệ tiểu đơn vị (tương tự Novavax của Mỹ hay Nanocovax của Việt Nam), tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng có thể dùng được cả các vắc-xin sản xuất bằng công nghệ khác. Ưu điểm khác của phương pháp này là khi vắc-xin được phủ khô trên miếng dán, nó dễ dàng bảo quản hơn, thường chỉ yêu cầu nhiệt độ thường hoặc hơi mát, không cần bảo quản bằng tủ lạnh âm sâu như vắc-xin truyền thống.
Nguồn: [Link nguồn]
Một sai sót liều lượng trong quá trình thử nghiệm vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca và Trường ĐH Oxford (Anh) giúp nhiều...