Sắp cạn vật tư y tế, BV Bạch Mai, BV Việt Đức “kêu cứu”
"Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói.
Sáng 23/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Ngành y vượt khó nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại”.
GS TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vật tư y tế đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm Bệnh viện Bạch Mai. Người dân cũng như vậy, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều.
GS TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Quang Thương -VGP)
Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày.
Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và bệnh viện đang chờ các thông tư mới, quy định mới. Vì thế, hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được.
Về tài chính, ông Cơ cho biết 3 năm qua, những khó khăn về tài chính dẫn đến nguồn tài chính chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai giảm trầm trọng. 10 năm trước, bệnh viện có nguồn thu từ các hoạt động liên doanh liên kết, giá thu tương đối đúng tương đối đủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện liên doanh liên kết có những văn bản pháp quy chưa phù hợp.
Vì thế, nhiều đề án liên doanh liên kết của bệnh viện vướng vào pháp lý, làm các đề án này dừng lại. Hiện nay, toàn bộ bệnh viện thu giá viện phí bằng giá của Bảo hiểm y tế. Trong khi đó giá của Bảo hiểm y tế đã ban hành từ rất lâu. Nhiều giá dịch vụ kỹ thuật hết sức lỗi thời, giá vật tư, thiết bị tăng rất nhiều, tiền lương cũng tăng lên.
"Dù bệnh nhân đến bệnh viện rất đông nhưng chênh lệch thu chi không đủ nên đãi ngộ với nhân viên y tế rất thấp. Chúng tôi hiện nay đã phải vay quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên, làm thu nhập của y bác sĩ giảm rất nặng. Vì thế, cứ mỗi khi có bệnh viện nào mới thành lập, kể cả bệnh viện công lập thành lập khoa mới thì cán bộ bệnh viện lại rục rịch xin sang các đơn vị đó", ông Cơ nói.
"Chúng tôi đang rất lo lắng đến ngày 1/7 chi cho lương mới thì nguồn chi thường xuyên của bệnh viện chưa chắc đã đủ để chi lương cho cán bộ y tế. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì thế tôi mong Bộ Y tế, Chính phủ sớm có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Theo ông Cơ, nếu như các bệnh viện khó khăn một thì Bệnh viện Bạch Mai khó khăn gấp đôi vì vướng vào những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp, đặc biệt là câu chuyện liên doanh liên kết đã dừng, thiết bị không có, thiếu. Nguồn thu của bệnh viện toàn bộ từ bảo hiểm y tế.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết. Bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế...
GS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (trái) và GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức - Ảnh: VGP/Quang Thương
Cụ thể, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
"Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn", ông Giang cho biết.
Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn.
"Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói.
Lương bác sĩ chưa đến 5 triệu/tháng, theo Công đoàn Y tế Việt Nam, mức lương này đã tính phụ cấp ưu đãi nghề 40%, chưa trừ nộp BHXH, BHYT và chỉ đảm bảo một phần nhu cầu...
Nguồn: [Link nguồn]