Sắp bắt buộc người dân tham gia bảo hiểm y tế?
Người dân phải bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, giảm mức hỗ trợ thanh toán cho bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến.
Đó là những điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật bảo hiểm y tế được bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí chiều nay (22/5).
Theo đó, Dự thảo Luật quy định bảo hiểm y tế sẽ bắt buộc áp dụng đối với các đối tượng. Ngoài ra, người dân sẽ phải tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình…
Có nhiều ý kiến cho rằng, không công bằng khi bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế trong khi chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn nhiều rắc rối, thủ tục hành chính phiền hà.
Bà Hương lý giải, chất lượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một vấn đề quan trọng nhưng là vấn đề tách biệt đối với việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm y tế thông qua tham gia bảo hiểm y tế vẫn bắt buộc.
Bà Hương khẳng định, Bộ Y tế đã cam kết thực hiện những nỗ lực cần thiết để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thái độ phục vụ của nhân viên y tế.
“Bộ Y tế cũng cam kết sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ đợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi người dân đến khám chữa bệnh”, bà Hương nói.
Bà Tống Thị Song Hương trả lời báo chí về Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật bảo hiểm y tế sắp tới.
Trả lời thắc mắc, những người tham gia bảo hiểm y tế vẫn phải trả một khoản tiền túi đáng kể khi ốm đau, dẫn đến tình trạng “thờ ơ” với bảo hiể y tế, bà Hương cho biết, giảm chi phí tiền túi của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của bảo hiểm y tế. Theo thời gian, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế tăng lên, quỹ bảo hiểm y tế đủ lớn, nhờ đó sẽ giảm chi phí tiền túi của người bệnh.
Bà Hương cho biết, dự thảo Luật bảo hiểm y tế sẽ trình Quốc hội bổ sung khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ phó Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) khẳng định, giá dịch vụ y tế là cơ sở để cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh viện đối với các chi phí khám chữa bệnh đối với người bệnh tham gia thẻ bảo hiểm y tế. Nếu giá dịch vụ y tế càng cao, thì càng đảm bảo hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế đều có mức đóng chung là 4,5% mức lương cơ sở, mức đóng như nhau nhưng giá khác nhau vì mỗi người có mức lương cơ sở khác nhau,cho nên cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán lại cho các bệnh viện cũng sẽ ở mức khác nhau. Chính vì vậy, một số tỉnh ban hành giá dịch vụ y tế ở mức thấp sẽ không đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân.
Dự thảo Luật quy định nâng mức thanh toán bảo hiểm y tế cho thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ từ 80% lên 100% chi phí khám chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%. Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn được bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%. |