Sáng kiến của bác sĩ Yên Bái "tiếp nước" cho đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch
Chứng kiến cảnh các đồng nghiệp mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít trong nhiều giờ giữa trời nắng chang chang, khát nước mà không thể uống khiến cơ thể thiếu nước ảnh hưởng sức khoẻ, BS. Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Yên Bái đã có sáng kiến "tiếp nước" cho nhân viên y tế tiện lợi với chỉ 10.000 đồng.
Chia sẻ với phóng viên Suckhoedoisong.vn bác sĩ Hiếu cho biết, từ ngày 3/5 khi ở Yên Bái có ca bệnh liên quan đến một đám cưới sau đó các nhân viên y tế được huy động đi lấy mẫu xét nghiệm, nhiều đồng nghiệp khát nước, mệt nhưng không có cách nào để uống nước.
BS. Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Yên Bái
Bởi việc thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, hơn nữa với trang phục bảo hộ chúng ta không phải muốn là cởi ra ngay, vì đó là những trang phục không dễ gì có được. Đó là còn chưa kể việc cởi ra không đúng thao tác cũng có thể để lại những nguy cơ phơi nhiễm.
Trong khi đó cũng có những đồng nghiệp làm việc 4-5 tiếng, thậm chí 8 tiếng liền nếu không được cấp nước kịp thời dễ bị say nắng, mệt mỏi, rối loạn điện giải...
Một đầu dây sẽ cắm vào bình nước
Cũng theo bác sĩ Hiếu, ngoài các anh chị em ở tuyến đầu còn các anh chị em bác sĩ ở các phòng xét nghiệm hàng ngày cũng phải đứng trong phòng 6 tiếng đồng hồ với bộ đồ bảo hộ nên cũng không thể uống nước mỗi khi khát.
Là người vừa trực tiếp tham gia lấy mẫu bệnh phẩm vừa làm việc trong phòng xét nghiệm nên BS. Nguyễn Thị Bắc khoa Vi sinh BVĐK tỉnh Yên Bái và các đồng nghiệp thấu hiểu hơn bao giờ cảnh khát nước mà không biết phải làm thế nào.
Một túi vải (hoặc túi bóng nếu không có), một bộ dây chuyền, chai nước 500ml và một dây đai là tất cả những gì để cung cấp nước cho nhân viên y tế khi phải mặc bộ đồ bảo hộ (ảnh BSCC)
BS.Bắc tâm sự, có những ngày các chị phải thực hiện gần 1000 mẫu bệnh phẩm nên hầu như không có thời gian cũng như điều kiện để uống nước.
Xuất phát từ những thực tế đó, BS. Hiếu băn khoăn, suy nghĩ làm sao để đồng nghiệp vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn mà lại đảm bảo được sức khoẻ. Do đó, anh đã sáng tạo ra cách cấp nước vừa dễ làm, tiện lợi với chi phí rất rẻ.
2 chai nước được để bên sườn, luồn 2 dây vào mang tai và vòng để trước miệng
Theo đó, nguyên lý hoạt động của việc cấp nước này là có 2 chai nước mỗi loại 500ml đựng trong túi vải hoặc túi bóng, được gắn bằng đai vải đeo 2 bên sườn bên trong áo bảo hộ.
Hai chai nước được cắm 2 dây dẫn nước hai bên kéo vòng qua mang tai giấu trong mũ bảo hộ, để bên cạnh miệng, khi khát nước chỉ cần ngoảnh miệng ngậm vào ống hút và mở van là nó thể hút từ bình cấp nước lên.
Bs. Hiếu cũng chia sẻ, đây là những thiết bị dễ tìm, sẵn có chỉ mất khoảng 10 nghìn đồng có thể thực hiện ở bất cứ đâu.
Mặc quần áo bảo hộ vào, khi khát chỉ việc ngoảnh miệng ngậm ống hút là nước sẽ đẩy lên
“Giữa thời tiết nắng nóng như thế này, chúng tôi mong muốn, việc làm này được nhân rộng để không chỉ đồng nghiệp tham gia chống dịch mà cả các anh em ở các bộ phận khác đang trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch được cung cấp lượng nước vừa đủ cho cơ thể đảm bảo sức khoẻ trong thời gian nhất định”, Bs. Hiếu nói.
Được biết, đoàn công tác của Yên Bái về Bắc Giang chống dịch cũng được bác sĩ Hiếu cũng trang bị cho đoàn những mẫu cấp nước này để đảm bảo sức khoẻ cho anh em y bác sĩ.
Sau đó đeo khẩu trang là có thể làm việc
Còn Bs. Bắc thì chia sẻ: “Tôi dùng 2 chai, một bên là nước lọc và một bên là nước giải khát, từ khi áp dụng sáng kiến này, tôi cùng các đồng nghiệp đã yên tâm làm việc mà không lo bị mất nước, rối loạn điện giải, vì thế không cần phải cởi bộ đồ bảo hộ mà hiệu quả công việc tốt hơn”.
Sở Y tế TP HCM đã làm việc trực tiếp với quận Gò Vấp để lên phương án ngăn chặn dịch bệnh và chỉ đạo ngành y tế...
Nguồn: [Link nguồn]