Sản phụ tăng cân nhanh, treo chân chữa tiểu đường
Vừa tự hào khoe với bạn bè chỉ trong 7 tháng mang thai chị tăng 20 kg, một con số mà nhiều bà bầu “mơ ước”, chị nhận được tin đường huyết cao quá ngưỡng cho phép và phải nằm theo dõi tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Tăng cân vội chớ mừng
Chậm chạp bước lên tầng hai của phòng điều trị đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chị Hoàng Thị Thanh Tâm (Bát Tràng, Hà Nội) vẫn mệt mỏi với cái giấy kết quả xét nghiệm đường huyết lên đến 9,8%. Chỉ số này gấp rưỡi cho phép của người bình thường. Trước chỉ số đường huyết cao bất thường, chị Tâm được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chuyển sang Bệnh viện Nội Tiết theo dõi.
Việc khám thai định kỳ sẽ giúp thai phụ phát hiện, kiểm soát những biến chứng do tiểu đường thai kỳ gây ra Nhìn dáng vẻ khệ nệ của chị Tâm, chồng chị khoe rằng trước khi có bầu chị nặng 51 kg, thai 34 tuần chị đã tăng 22kg. Các bác sĩ cảnh báo chị phải giảm ăn các loại chất ngọt. Thai nhi của chị Tâm 34 tuần nặng 3,9kg, nhau thai quấn cổ hai vòng. Theo chỉ số đường huyết chị Tâm có nhiều khả năng bị tiểu đường thai nghén.
Cạnh chị Tâm là chị Quách Mai Hương (Trương Định, Hà Nội) cũng đang mệt mỏi với chứng đường huyết cao bất thường. Chị Hương kể mình còn 10 tuần nữa là sinh, sáng nay đi khám thử nước tiểu thấy báo hiệu có nguy cơ tiểu đường. Chị vào bệnh viện đo đường huyết, chỉ số đường huyết tăng cao nên phải nhập viện theo dõi.
Việc khám thai định kỳ sẽ giúp thai phụ phát hiện, kiểm soát những biến chứng do tiểu đường thai kỳ gây ra
Chị Hương mang thai con đầu lòng. Từ khi mang thai đến nay chị tăng 20kg. Mặc dù đã ăn ít theo cảnh báo nhưng lượng đường trong máu vẫn rập rình tăng cao. Khi hỏi ra thì mỗi ngày chị Hương uống nước dừa thay nước lọc để trong ối. Cũng có nhiều khả năng vì sử dụng nhiều nước dừa nên chị béo nhanh và lượng đường cũng tăng.
Mẹ chị Hương kể bình thường khi chị có bầu nên mọi người thường lên chế độ ăn đặc biệt cho chị. Khi thai được 28 tuần bác sĩ đã cảnh báo “hãm ăn”. Chị Hương không ăn nhiều như trước nhưng chuyển sang uống nhiều sữa, nước mía, nước dừa.
Chị Hương được tư vấn uống nước dừa để trong ối và tăng lượng nước ối vì chỉ số ối của chị ở ngưỡng 84, thấp hơn so với thai kỳ. Để đảm bảo đủ lượng nước ối, phòng cạn ối và kết hợp với kinh nghiệm của các cụ, chị Hương ra sức uống nước mía, nước đường.
Mẹ bị tiểu đường treo chân trong bệnh viện chờ sinh con Như trường hợp của chị Bùi Thị Mận, Định Công, Hà Nội lại khác. Chị Mận bị tiểu đường tuýp 2. Lấy chồng đã ba năm nhưng chị chưa có con vì sợ bệnh tật.
Từ ngày có thai, chị thường xuyên nằm viện để các bác sĩ theo dõi và kiểm soát lượng đường huyết. Thai nhi được 7 tháng thì 4 tháng chị ở trong viện
Mỗi lần về nhà chị lại mang theo máy đo đường huyết. Hàng ngày, chị phải kiểm tra đường huyết hai lần. Vì mắc tiểu đường nên khi có con chị cũng không dám ăn như những sản phụ khác. Chị phải ăn chế độ ăn kiêng, để phòng tránh bệnh tiểu đường cho con.
Chị kể: “Bố tôi bị tiểu đường, tôi bị di truyền từ bố. Vợ chồng tôi phải đắn đó lắm mới quyết định sinh con. Điều khiến tôi lo sợ nhất là con sinh con ra cũng mắc bệnh giống tôi. Các bác sĩ cảnh báo tỷ lệ bệnh lây sang cháu bé chỉ chiếm cao nhất 15% nhưng vẫn khiến vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ”.
Hiện nay, chị Mận đang mang thai ở tuần 30, theo như dự báo của các bác sĩ chị có thể cho sinh trước tuần thứ 38 nếu phát hiện thai to. Nếu quyết định cho sinh sớm trước tuần 37, bác sĩ cũng phải xem xét đến sự phát triển phổi của thai nhi. Tuy nhiên để giảm tối đa nguy cơ trẻ sơ sinh sinh ra 48 giờ đầu bị suy hô hấp các bác sĩ vẫn cố gắng kiểm soát tốt lượng đường huyết của mẹ để trì hoãn việc sinh đẻ đến tuần thứ 40 của thai kỳ.
Hiện nay, em bé của chị Mận được 2,8 kg. Theo dự đoán, trong quá trình phát triển, cháu bé đạt khoảng 3,9 kg khi sinh. Điều này, chị Mận có thể thở phào nhẹ nhõm vì em bé có khả năng sinh đủ ngày để tránh những biến chứng đáng tiếc khi phổi chưa hoàn thiện.
Theo TS Vũ Bá Quyết – phó GĐ BV Phụ sản Trung ương- tăng cân quá nhanh là yếu tố nguy hiểm cho sản phụ. Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, nhau thai bắt đầu tiết ra một lượng lớn hormone có khả năng tạo ra một trạng thái kháng insulin, làm giảm hiệu quả điều hòa nồng độ đường trong máu của insulin và hệ quả là nồng độ đường trong máu của người mẹ tăng cao, đến một mức nào đó bệnh đái tháo đường thai nghén xảy ra.
Đối với những trường hợp tiểu đường thai nghén chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng do thầy thuốc hướng dẫn. Nếu được điều trị thích hợp, có thể giảm đến 50% số con sinh ra nặng cân và những biến chứng cho trẻ sơ sinh.
Do đó, nếu thấy tăng cân quá nhanh, sản phụ cần phải được sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ, tuân thủ chế độ ăn cân đối và luyện tập phù hợp.