Sản phụ đẻ rơi, đầu con mắc kẹt trong cơ thể mẹ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lào Cai - Trên đường đến viện, sản phụ 18 tuổi chuyển dạ đẻ rơi, nửa thân dưới em bé lọt ra trước nhưng đầu vẫn mắc kẹt trong cơ thể mẹ, bác sĩ tiên lượng "lành ít dữ nhiều".

Sản phụ mang thai tuần 35, sinh thiếu tháng, thai ngôi ngược (chân quay xuống phía dưới). Từ nhà đến viện cách hơn 6 km, trên đường di chuyển, em bé lọt ra khỏi cơ thể mẹ trong tư thế vô cùng nguy hiểm. Vào đến Bệnh viện Đa khoa TP Lào Cai, bé vẫn kẹt nửa trên thân người trong cơ thể mẹ, bị ngạt, trắng bệch, không có phản xạ.

Tiếp nhận sản phụ các y bác sĩ "giật mình nghĩ không thể cứu nổi, tiên lượng lành ít dữ nhiều", theo điều dưỡng Mộc Thị Hường, trực cấp cứu hôm ấy. Lúc này, bé không có nhịp tim, nguy cơ tử vong cao. Kíp trực 9 người chia thành ba, một kíp cấp cứu sản phụ, một kíp cấp cứu trẻ, một kíp phụ giúp. "Tất cả dồn 100 % sức lực, chạy đua cứu hai mẹ con", điều dưỡng trực Hường kể. Cùng lúc này, một bác sĩ ra ngoài giải thích cho người nhà, phòng trường hợp xấu nhất.

Sau vài phút, bác sĩ đưa em bé ra ngoài an toàn. Bé trai nặng 2,3 kg, phản xạ cơ, xương kém, suy hô hấp. Kíp liên tục hồi sức cho bé, sử dụng thuốc, ép tim và sẵn sàng đặt nội khí quản nếu cần. Sau 5 phút, bé khóc lớn, có những chuyển biến tốt.

Hiện tại, cả mẹ và bé đã ổn định, được tiếp tục theo dõi.

"Nhìn hai mẹ con khỏe mạnh, tôi thấy như một phép màu", điều dưỡng chia sẻ.

Kíp cấp cứu chạy đua ép tim, cứu trẻ sơ sinh bị ngạt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Kíp cấp cứu chạy đua ép tim, cứu trẻ sơ sinh bị ngạt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thông thường khi sinh, phần đầu của em bé sẽ ra trước. Ngôi thai ngược hay ngôi mông là một dạng bất thường của thai nhi. Tỷ lệ sinh con ngôi mông khá thấp, chiếm 3-4% các ca sinh nở. Hiện nay đa số ca mang thai ngôi ngược có chỉ định mổ, sản phụ cần được khám tiền sản và sinh con tại bệnh viện.

Thai ngôi mông, ối vỡ sớm có thể dẫn đến hậu quả khó lường như sa dây rốn, gây suy thai cấp, gây ngạt khiến em bé có nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Thai ngược cũng làm tầng sinh môn mẹ không giãn tốt, nguy cơ rách tầng sinh môn phức tạp, gây kẹt đầu thai.

Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần đi khám, quản lý thai kỳ chặt chẽ và xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Khi có các triệu chứng bất thường cần đến ngay bệnh viện gần nhất để khám, xử trí kịp thời tránh tình huống đáng tiếc. Thai phụ nhà xa, khó đến bệnh viện kịp thời, nên tới nhập viện chờ sinh từ sớm, tránh tình huống đẻ rơi nguy hiểm như trường hợp trên.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội - Người phụ nữ 30 tuổi, mang thai tuần 39, vỡ ối, có dấu hiệu sinh song người nhà cho kê cao gối chờ ngày đẹp mới đưa đi viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy An ([Tên nguồn])
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN