Sản phụ các nước trên thế giới sinh con tại nhà như thế nào?
Sinh con thuận tự nhiên có lẽ không phải là khái niệm mới trên thế giới. Vậy, cần chuẩn bị những gì, quy trình sinh diễn ra như thế nào,... là những thắc mắc được rất nhiều người quan tâm.
Mối nguy hại tiềm tàng?
Vấn đề sinh con thuận tự nhiên đã bị nhiều chuyên gia sản khoa cảnh báo. Trong một bài viết của tờ Daily Mail, bác sĩ sản khoa của Trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Anh đã cảnh báo về phương pháp sinh con thuận tự nhiên - liên sinh (lotus birth).
Một phát ngôn viên của trường cho hay: "Sau khi sinh, nhau thai có nguy cơ nhiễm khuẩn và lan sang cơ thể em bé. Nhau thai dễ nhiễm khuẩn do chứa máu. Sau sinh, dây rốn ngừng hoạt động khiến bánh nhau không nhận được máu từ tử cung và trở thành mô chết". Cũng theo trường này, nếu bà mẹ quyết định không cắt dây rốn thì bác sĩ phải theo dõi trẻ cẩn thận để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng.
Ngoài việc không cắt dây rốn, phương pháp này còn để nhau thai vào bát rồi rửa sạch, sấy khô và bảo quản trong dung dịch cho đến khi tự rụng. Đặc biệt, sinh con thuận tự nhiên còn chú ý đến việc sinh con tại nhà.
Sinh con tại nhà trên thế giới
Thực tế, sinh con tại nhà vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như Anh, Mỹ, Canada. Tuy nhiên, việc sinh con tại nhà không có nghĩa là người mẹ "đơn thương độc mã" trong việc sinh con. Bên cạnh sản phụ sẽ có bác sĩ, nữ hộ sinh, bà đỡ với các tiêu chuẩn về bằng cấp rất nghiêm ngặt, cũng như các máy móc hỗ trợ.
Những bà bầu không nên sinh con tại nhà
Nhìn chung các nước Anh, Mỹ, Australia, Canada... đều có các dịch vụ chăm sóc tại nhà chu đáo, cẩn thận. Tuy nhiên một số bà bầu không nên sinh con tại nhà được các chuyên gia khuyến cáo gồm:
- Từng bị băng huyết sau sinh
- Từng phải mổ lấy thai
- Mang thai trên 42 tuần
- Tăng huyết áp, nguy cơ tiền sản giật
- Thiếu máu
- Ngôi thai không thuận
- Mang thai đôi hoặc ba
- Sức khỏe yếu
Ai có thể sinh con tại nhà với người có chuyên môn hỗ trợ?
Ở những nước có dịch vụ sinh con tại nhà, những bà bầu có sức khỏe thai kỳ ổn định, thai nhi và mẹ đều khỏe, không mắc các bệnh có thể gây nguy hiểm hoặc tai biến khi sinh có thể sinh con tại nhà.
Tuy nhiên, trong suốt thai kỳ, bà bầu phải thăm khám bác sĩ cẩn thận và kiểm soát thai nghén chặt chẽ. Chị em sẽ nói chuyện với nữ hộ sinh về việc sinh con tại nhà có nên hay không và nhận lời khuyên chính xác nhất.
Trước khi sinh con tại nhà, sản phụ phải làm gì?
Tại các nước như Anh, Mỹ, Canada..., trước khi sản phụ sinh con tại nhà sẽ tìm nữ hộ sinh và có cuộc gặp với người này để nói chuyện về lựa chọn sinh con tại nhà. Sau đó, nữ hộ sinh sẽ tư vấn về những việc cần làm, chuẩn bị để sinh con tại nhà.
Trong cuộc gặp này, nữ hộ sinh cũng sẽ trao đổi về thời gian dự sinh, địa điểm. Nữ hộ sinh hướng dẫn thêm về kỹ thuật lúc sinh cũng như sự tham gia hỗ trợ của gia đình. Người này cũng giúp bà bầu chuẩn bị các dụng cụ cần thiết phục vụ cho quá trình sinh con tại nhà.
Ai tham gia vào quá trình "vượt cạn"
Sản phụ không bao giờ tự sinh con một mình mà không có sự hỗ trợ của người có chuyên môn. Như tại Mỹ, khi sinh con tại nhà, các nữ hộ sinh chuyên nghiệp được cấp chứng nhận và giấy hành nghề sẽ có mặt. Họ không chỉ có chuyên môn, được đào tạo mà còn có đầy đủ các công cụ để đỡ đẻ và cứu sản phụ cũng như em bé khi xảy ra tình huống tai biến sản khoa.
"Quy định cho các nữ hộ sinh trong trường hợp khẩn cấp dùng Pitocin hay Oxytocin khi xảy ra băng huyết, oxy, các thiết bị cần thiết để theo dõi chỉ số sự sống của mẹ và bé cùng như thiết bị cấp cứu khác", bà Marinah Farrell - Chủ tịch Hiệp hội nữ hộ sinh Bắc Mỹ cho hay.
Nữ hộ sinh còn có cả dụng cụ và khả năng khâu vết rạch âm đạo, cấp thuốc cho mẹ và bé. Về cơ bản, nữ hộ sinh được đào tạo bài bản, có chuyên môn để đỡ đẻ an toàn cho sản phụ. Ngoài ra, nữ hộ sinh luôn mang theo găng tay vô trùng, gạc, mũ cho bé, khăn trải giường, nệm chống thấm, nhiệt kế, ống nghe...
Tại Anh, sản phụ sinh con tại nhà cũng không hề đơn độc. Sản phụ có đủ sức khỏe sinh tại nhà có thể tìm nữ hộ sinh ở những nhóm cung cấp dịch vụ nữ hộ sinh. Nữ hộ sinh sẽ đến để theo dõi tình trạng chuyển dạ và xem các cơn co thắt của sản phụ. Ngoài ra, nữ hộ sinh này còn kiểm tra xem cổ tử cung đã mở được bao nhiêu. Tiếp đó, một nữ hộ sinh thứ 2 sẽ đến để cùng đỡ đẻ. Sau sinh, trong khi một nữ hộ sinh chăm sóc mẹ hồi phục thì nữ hộ sinh còn lại sẽ bế và chăm sóc đứa trẻ.
Sau sinh được chăm sóc như thế nào?
Sau khi sản phụ "vượt cạn" xong, người đỡ đẻ sẽ kiểm tra các vấn đề sức khỏe. Nếu tất cả đều ổn, nữ hộ sinh sẽ để người mẹ và chồng ở lại với em bé một khoảng thời gian nhất định. Nữ hộ sinh sẽ giúp để người mẹ có thể quen với việc cho con bú những dòng sữa mẹ đầu tiên.
Tại Anh, nữ hộ sinh sẽ đến thăm mẹ và bé thường xuyên. Em bé được kiểm tra kỹ lưỡng trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Còn bà Marinah Farrell - Chủ tịch Hiệp hội nữ hộ sinh Bắc Mỹ cho hay, nữ hộ sinh sẽ quay lại 3-4 lần/tuần để chăm sóc, hướng dẫn người mẹ. Bên cạnh việc kiểm tra sức khỏe mẹ và bé, nữ hộ sinh còn tư vấn lịch sinh hoạt cho gia đình, cuộc sống của mọi người khi có em bé. Các cuộc thăm khám kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi.
Tối 14/3, Bộ Y tế đang xác minh sản phụ đẻ ở nhà theo trào lưu “thuận tự nhiên” khiến hai mẹ con tử vong.