Sản phụ 14 tuổi, mổ bắt con hai lần

Dạy trẻ biết ngừa thai tốt hơn là đi giải quyết… hậu sự.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ThS-BS Ngô Thị Yên, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình (BV Từ Dũ), cho biết mới tối hôm qua bà vừa mổ bắt con cho một thai phụ mới 14 tuổi. Trước khi mổ bà thấy trên bụng thai phụ nhí này đã có một đường rạch trước đó. Thai phụ khai thật là cách đây hai năm đã sinh mổ một lần.

Chưa lấy chồng đã hút thai… hai lần!

Theo BS Yên, BV Từ Dũ không gặp trường hợp nào phá thai bị biến chứng thương tâm do BV sàng lọc trước đó rất kỹ. Nhưng BV lại lãnh hậu quả từ các phòng khám khác chuyển đến. Cách đây vài tháng, một phòng khám tư nhân phá thai cho một cô gái 17 tuổi. Thai 17 tuần nhưng phòng khám không biết cô gái này bị đa nhân xơ tử cung. Phòng khám thấy không ổn nên vội chuyển em đến BV Từ Dũ. Thai phụ trong tình trạng mất máu, xanh, sốc. Tình trạng thai lúc đó chỉ ra một nửa, còn một nửa dính trong tử cung. “Chúng tôi đưa vào phòng mổ, phát hiện thai phụ có tử cung đa nhân xơ to. Chúng tôi lấy thai xong và cắt luôn tử cung mới cứu được bà mẹ trẻ” - BS Yên kể.

BS Yên cho biết thường những ca bị tai biến ngay lần đầu tiên phá thai là do hai nguyên nhân. Thứ nhất là thai phụ có tiềm ẩn bất thường ở đường sinh dục như đa nhân xơ, tử cung đôi, tử cung vách ngăn nên khi phá thai mà không biết sẽ làm thủng luôn tử cung. Thứ hai là do phá thai ở cơ sở không đủ trình độ chuyên môn, cơ sở không làm đúng quy trình, không khám tử cung, không khám tiền mê, không gây mê tốt… Đã có người tử vong.

Thế phá thai bao nhiêu lần thì nguy hiểm? “Không thể nói bao nhiêu lần, có thể phá thai lần đầu đã bị cắt tử cung do biến chứng rồi! Tuy nhiên, phá thai nhiều lần thì sau này dễ bị nhau tiền đạo, dính buồng tử cung vô sinh, nhiễm trùng vùng chậu…  Có nhiều người vào phá thai, bác sĩ hỏi phá thai bao nhiêu lần, họ trả lời là chưa lần nào. Nhưng khi hút cổ tử cung không mở được thì lúc này họ mới thừa nhận hồi chưa lấy chồng có hút hai lần!” - BS Yên nói.

Sản phụ 14 tuổi, mổ bắt con hai lần - 1

 Nhiều thanh thiếu niên đến khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ để xin tư vấn nên giữ hay bỏ thai. Ảnh: TÙNG SƠN

Ba nhóm tuổi phá thai nhiều

BS Vương Trọng Hiếu, khoa Kế hoạch hóa gia đình (BV Hùng Vương), chia sản phụ ra ba nhóm phá thai: Dưới 18 tuổi; sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân chưa lập gia đình; những người đã lập gia đình.

BS Hiếu nhận định nhóm đối tượng phá thai bị tác động xấu đến tâm lý và thể chất nhiều nhất là nữ dưới 18 tuổi. Phần lớn họ đều thiếu “kinh nghiệm”. Các em đến BV trong sợ sệt, hoảng loạn và mong muốn nhanh chóng lấy thai ra khỏi bụng ngay. Một số thì giấu giếm tự đến, một số khác bị cha mẹ phát hiện đưa đến. “Là nhân viên y tế, chúng tôi cố gắng làm cho các em thấy chuyện này là tai nạn nhưng cũng là chuyện nhớ đời” - BS Hiếu nói.

Theo BS Hiếu, việc phá thai càng ngăn thì càng… vỡ. Nếu các BV lớn không giúp các em thì họ sẽ tìm đến một số cơ sở phá thai trái phép và dễ dẫn đến tai biến. Do vậy, nhân viên y tế vừa tư vấn giáo dục nhưng cũng vừa răn đe tai biến y khoa có thể xảy ra để các em thấy được tương lai sẽ bị ảnh hưởng đến mức độ nào mà thận trọng hơn… khi yêu.

Theo BS Hiếu, ở lứa tuổi sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng chưa lập gia đình đi phá thai, trong 5-10 năm qua là thường gặp nhất. Họ không còn co thủ, e dè nữa mà chấp nhận “cuộc chơi”. “Phần lớn đều ý thức được nguy cơ tai biến. Trong ánh mắt của các thai phụ, tôi thấy họ hiểu vấn đề nhưng vẫn bỏ thai” - BS Hiếu cho biết thêm. Thống kê của BV Hùng Vương cũng cho thấy lứa tuổi 20-39 phá thai chiếm tỉ lệ cao nhất.

Riêng với lứa tuổi đã lập gia đình, BS Hiếu cho rằng tỉ lệ tư vấn không bỏ thai thành công nhiều hơn.

BS Ngô Thị Yên cảnh báo phá thai thì độ tuổi nào cũng có nguy cơ tai biến nhưng ở lứa tuổi vị thành niên thì nguy cơ cao nhất. Bởi các em còn quá trẻ, cơ thể chưa phát triển toàn diện dẫn đến hoảng loạn khi mang thai, khi hoảng loạn thì sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nếu tăng huyết áp mà điều trị kịp thời thì giữ được tử cung, còn không thì phải cắt bỏ. Do vậy, nếu có ý định chấm dứt thai kỳ thì sản phụ nên đi sớm, nếu tuổi thai càng lớn thì tỉ lệ nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ rất lớn.

Giữ hay bỏ thai ở người vị thành niên?

“Đối với người vị thanh niên, có những em mới 15-16 tuổi nhưng cao to, mặc dù chưa đủ tuổi thành niên nhưng đường sinh dục tốt, vậy nên để chuyển dạ tự nhiên là tốt hơn phá thai vì phá thai thì có nhiều nguy cơ. Những trường hợp này chúng tôi khuyên nên để cho các em mang bầu đến kỳ sinh nở và gửi ở các mái ấm tình thương nếu gia đình không muốn nuôi” - BS Yên nói.

Theo BS Yên, phá thai ở người vị thành niên có thể dẫn đến sản phụ phải bị cắt tử cung thì tương lai sinh nở chỉ còn là… màu đen, chưa kể là sản phụ có thể chết trên bàn thủ thuật. So với việc ráng để sản phụ mang bầu thêm 4-5 tháng nữa, sinh ra con bình thường thì cuộc đời người mẹ sau này sẽ tốt hơn. Vấn đề này phải tư vấn kỹ cho gia đình.

BS Yên nhấn mạnh em gái 17-18 tuổi nếu không quan hệ tình dục là tốt nhưng do môi trường xã hội hiện nay thì phải dạy các em biết ngừa thai như thế nào là tốt nhất, như dùng bao cao su, sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp… hơn là đi giải quyết hậu sự.

Theo tôi, mục tiêu hướng đến là lên kế hoạch tuyên truyền ngừa thai cho lứa tuổi học đường, công nhân, các đối tượng đặc biệt khác. Đa số người vị thành niên mang thai xuất phát từ nguyên nhân không ở chung với cha mẹ hoặc gia đình cha mẹ lục đục. Giáo dục giới tính trong gia đình là rất quan trọng. Nhưng xã hội cũng phải chung tay, bởi thời gian trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà. Giáo dục bằng truyền thông như tivi, sách báo, qua thầy, cô giáo, tổ chức Đoàn thanh niên…

ThS-BS NGÔ THỊ YÊN, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình (BV Từ Dũ)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tính (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN