Sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ

Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị ốm, thân nhiệt cao đã vội vàng hạ sốt theo những cách “truyền miệng” phản khoa học, có thể gây họa khôn lường cho con.

Khi trẻ bị sốt, nếu không xử lý kịp thời hoặc xử lý không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như: tổn thương các tế bào thần kinh, rối loạn thần kinh não, nguy hiểm hơn có thể gây hôn mê hoặc tử vong. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý đúng khi trẻ bị sốt. Sự lo lắng, hoảng loạn và tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ, kể cả nghe theo kinh nghiệm dân gian, có thể gây nguy hiểm cho con.

Sau đây là một số sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi hạ sốt cho trẻ:

Sờ trán đoán nhiệt độ

Sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ - 1

Không nên xác định nhiệt độ sốt của con bằng cách sờ trán. Ảnh minh họa.

Xác định con sốt bằng cách sờ trán hoặc má là hoàn toàn không chính xác. Trẻ chỉ được gọi là sốt khi nhiệt kế có các chỉ số: Nhiệt độ trong hậu môn cao hơn 38 độ C, nhiệt độ ở miệng cao hơn 37,8 độ C, nhiệt độ ở nách cao hơn 37,2 độ C.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi bị sốt

Không phải lúc nào sốt cũng do trẻ bị nhiễm trùng và cần uống thuốc. Khi sốt nhẹ, 37,5 – 38 độ C, phụ huynh chưa cần dùng thuốc cho trẻ. Đặc biệt, một số cha mẹ còn tự mua thuốc cho con uống mà không cần kê đơn của bác sĩ. Việc tùy tiện dùng thuốc khi chưa có chỉ định rất nguy hiểm, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Lau mát cho trẻ bằng rượu, cồn, nặn chanh

Rượu, cồn có thể làm mát nhanh nhưng cách này rất nguy hiểm vì trong rượu, cồn chứa một số hóa chất có thể thấm qua da khiến trẻ bị ngộ độc. Chanh cũng có thể hạ sốt nhưng trong chanh chứa axit làm bỏng làn da non nớt của trẻ.

Chườm đá lạnh

Sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ - 2

Tuyệt đối không chườm đá lạnh cho con khi con bị sốt. Ảnh minh họa.

Nhiều mẹ thấy con sốt cao quá dùng túi đá chườm lạnh cho con. Điều này thực sự rất nguy hiểm và mẹ tuyệt đối không nên làm. Cơ thể bé đang nóng, nếu bạn chườm đá lạnh, nhiệt độ nóng – lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp ngay lập tức.

Cạo gió cho trẻ

Đây là phương pháp chữa bệnh dân gian được áp dụng phổ biển. Tuy nhiên, nếu cạo gió cho trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu vô cùng khó khăn. Đặc biệt khi trẻ bị sốt xuất huyêt, bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió. Vì vậy, tuyệt đối không nên cạo gió cho trẻ.

Ủ quá ấm cho bé

Sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ - 3

Không nên ủ quá ấm cho con khi con bị sốt. Ảnh minh họa.

Nhiều phụ huynh thấy bé sốt sợ con lạnh lại ủ ấm cho con bằng nhiều lớp chăn, quần áo. Cách làm này thực sự nguy hiểm vì có thể làm thân nhiệt trẻ càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật ngay lập tức.

Kiêng nước hoàn toàn

Nhiều mẹ sợ con ốm cảm lạnh nên kiêng tắm, kiêng luôn cả việc lau rửa bức thiết cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ đừng bỏ qua việc vệ sinh cơ thể cho bé bằng nước ấm để trẻ cảm thấy sạch sẽ, dễ chịu hơn. Cách này giúp hạn chế nguy cơ bé bị nhiễm trùng. Không chỉ vậy, tắm hay lau qua người cho bé còn là phương pháp hạ nhiệt hữu hiệu. Nhưng mẹ hãy tắm nhanh cho con, không thể lau kỹ như lúc bé khỏe mạnh được.

Hạ sốt cho trẻ thế nào là đúng?

Nắm nhiệt độ trẻ bị sốt: Nhiệt độ cơ thể cho thấy mức độ sốt của trẻ. Mức sốt vừa là 38-38,5 độ C trẻ có thể chịu đựng được nhưng nếu sốt cao 39-40 độ C trở lên trong thời gian dài có thể làm trẻ bị co giật, gây thiếu oxy trong não.

Để tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc trẻ sốt cao, các mẹ cần bình tĩnh chủ động tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến hành các bước hạ sốt phù hợp cho trẻ như sau:

- Để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm, không cởi hết đồ của trẻ.

- Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió.

Sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ - 4

Kiểm tra nhiệt độ cho con bằng nhiệt kế trước khi dùng biện pháp hạ sốt. Ảnh minh họa.

- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn.

- Cho trẻ uống nhiều nước và các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, dung dịch nước biển khô.

- Cần theo dõi nhiệt độ trẻ bằng nhiệt kế sau mỗi 4 giờ.

- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng.

Một số loại thuốc không nên lạm dụng hay tự ý dùng để hạ sốt cho trẻ

- Dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ: Aspirin là thuốc có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau rất thông dụng tuy nhiên loại thuốc này được khuyến cáo không được dùng cho trẻ dưới 18 tuổi.

- Lạm dụng paracetamol: Paracetamol là loại thuốc hạ sốt rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc lạm dụng Paracetamol có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Hơn nữa, việc kết hợp Paracetamol với những loại thuốc khác không đúng cách có thể khiến trẻ bị sốt nặng hơn.

Sai lầm tai hại khi hạ sốt cho trẻ - 5

Không nên tự ý tiêm, truyền thuốc giảm sốt cho trẻ. Ảnh minh họa.

- Lạm dụng thuốc đặt hậu môn: Không nên lạm dụng thuốc nhét hậu môn vì thuốc có thể gây tác dụng phụ. Tốt nhất là cha mẹ nên đo nhiệt độ chính xác rồi cho con uống thuốc với hàm lượng phù hợp, đủ liều lượng.

- Tự ý truyền hoặc tiêm thuốc giảm sốt cho con: Nhiều phụ huynh chủ động yêu cầu truyền hoặc tiêm thuốc giảm sốt cho con để bổ sung nước, cải thiện sự cân bằng điện giải. Tuy nhiên, việc tiêm/truyền khiến trẻ phải chịu đau đớn, ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của trẻ, chưa chắc đã giảm được sốt nhanh, nhất là sốt virus.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Vy (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN