Sai lầm nguy hiểm khi ăn khoai tây
Khoai tây là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách cũng có thể “rước độc” vào người.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoai tây là món ăn hàng ngày vô cùng gần gũi đối với người dân. Nó chứa nhiều tinh bột, cellulose, giàu vitamin B1, B2, phốt pho, đặc biệt khi khoai tây nấu chín cung cấp hàm lượng vitamin C khá cao.
Khoai tây có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, vừa giữ cho huyết áp ổn định vừa cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi thành mạch tim.
Để tránh ngộ độc khi chế biến khoai tây, BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khoai tây cũng như nhiều thực phẩm khác, khi chế biến phải cẩn trọng, chọn những củ khoai tây tươi, ngon.
Một số lưu ý khi ăn khoai tây:
Bị tiểu đường nói "không" với khoai tây: Người mắc bệnh tiểu đường có hàm lượng đường máu luôn cao. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần hết sức cảnh giác với những thực phẩm carbohydrat, đồng thời kiểm soát tốt lượng carbohydrat mà cơ thể tiêu thụ để đề phòng đường huyết tăng cao.
Do đó, chỉ nên ăn 50-60% lượng tinh bột so với những người khỏe mạnh bình thường. Trong khi đó, khoai tây có vị ngọt, béo và rất giàu tinh bột. Đó là lý do tại sao người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai tây.
Mang bầu không ăn khoai tây: Phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng bởi cấu trúc solanin trong khoai tây khá giống hormone steroid, nội tiết tố estrogen và progestrogen trong cơ thể. Nếu phụ nữ mang thai ngày nào cũng ăn khoai tây thì cơ thể sẽ hấp thu một lượng lớn alcaloid, có thể gây ra bất thường cho thai nhi. Hơn nữa, khoai tây chiên còn chứa nhiều chất béo và muối, dễ gây béo phì và cao huyết áp cho mẹ và tăng nguy cơ cho thai.
Khoai tây ngon nhưng không phải ai cũng ăn được (Ảnh minh hoạ)
Một số chuyên gia cảnh báo, nếu phụ nữ mang thai nhạy cảm với alcaloid thì chỉ cần ăn 44 - 250g khoai tây/ngày, nếu ăn liên tục trong nhiều ngày, các bất thường ở thai nhi có thể xảy ra. Vì alcaloid trong khoai tây không giảm qua các bước nấu nướng thông thường như hấp hay đun sôi.
Không bảo quản trong tủ lạnh: Khoai tây là thực phẩm không nên để trong tủ lạnh. Khi ở nhiệt độ dưới 7 độ C, tinh bột khoai tây được chuyển thành đường. Như vậy hương vị khoai tây sẽ không còn tốt và ngon như lúc ban đầu.
Khi lấy khoai tây từ tủ lạnh ra chắc chắn bạn sẽ thấy khoai bị nhũn và héo đi. Cách bảo quản tối ưu nhất là cho khoai tây vào trong túi giấy và để nơi không có ánh sáng mặt trời.
Ăn khoai để quá lâu: Khi mua khoai tây, ngoài chú ý chọn những củ không giập nát, còn cần lưu ý cả những củ khoai tây có màu xanh nữa.
Màu xanh lá cây trên khoai tây chính là một chất diệp lục. Chất diệp lục này không gây hại cho sức khỏe nhưng nó là biểu hiện cho thấy củ khoai tây đó đã tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
Qúa trình tiếp xúc này sẽ khiến củ khoai tây sản sinh ra một chất độc tự nhiên (solanine) có thể gây hại cho sức khỏe. Việc sản sinh chất độc solanine chính là một cơ chế phòng vệ tự nhiên của khoai tây nhằm để tránh nấm và sâu bệnh.
Chất độc solanine cũng sẽ sản sinh khi khoai tây bị bầm dập, thâm tím. Do đó, nếu củ khoai tây đã bị bị hư hại thì bạn nên loại bỏ.
Rau muống là loại rau được nhiều người yêu thích, đặc biệt vào mùa hè. Dù ngon là vậy nhưng không phải ai cũng nên ăn...
Nguồn: [Link nguồn]