Sai lầm khi sơ cứu khiến bé trai 10 tuổi ở Hà Nội nguy kịch
Thấy con khóc thét, gia đình hốt hoảng và đã rút que ra khỏi vết thương.
Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) vừa tiếp nhận bé trai 10 tuổi (trú tại thị trấn Liên Quan) vào nhập viện trong tình trạng tím tái, khó thở, có vết thương tại lưng, dấu hiệu sống mờ nhạt.
Gia đình cháu bé kể lại, khi đang trèo lên ghế, cháu vô tình ngã vào 1 chiếc que nhọn - que têm trầu để ở bình vôi và bị đâm vào ngực. Thấy con khóc thét, gia đình rất hốt hoảng và đã rút que têm trầu ra khỏi vết thương. Ngay lập tức, vết thương chảy máu ồ ạt, cháu bé tím tái và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ xác định vết thương của cháu rất sâu, gần tim, đến động mạch chủ, mất rất nhiều máu và bệnh nhân dần mất ý thức. Cháu bé được đưa ngay lên phòng mổ, gây mê đặt ống nội khí quản, dẫn lưu màng phổi để hồi sức duy trì các dấu hiệu sống, sau đó chuyển cháu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thực hiện phẫu thuật lồng ngực.
Do vết thương quá nặng, cháu bé suy hô hấp, máu tràn vào màng phổi có thể tử vong bất cứ lúc nào, vì vậy trên đường di chuyển, bác sĩ vừa hồi sức vừa phải truyền máu. Rất may mắn, cháu bé đã vượt qua cơn nguy kịch, kịp thời đến Bệnh viện Xanh Pôn và được các bác sĩ Khoa Tim mạch, lồng ngực phẫu thuật thành công. Sau mổ ổn định, cháu được xuất viện vào ngày 31/3.
Theo BS Nguyễn Đức Thảo, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, với những tai nạn thương tích đối với trẻ nhỏ, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng.
Khi rút vật nhọn ra khỏi vết thương của người gặp nạn có thể gây chảy máu ồ ạt, dẫn đến tình trạng người bệnh có thể nặng nề hơn. Đây là một trong những sai lầm của người dân khi cấp cứu người gặp tai nạn.
Vì vậy, khi có vật nhọn đâm vào tốt nhất không nên rút ra khỏi cơ thể người bệnh, chỉ nên cố định hoặc làm ngắn vật gây thương tích để dễ dàng vận chuyển tới bệnh viện.
Cũng theo bác sĩ, tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ cần được sơ cứu đúng cách sau đó cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì đầu tiên cần làm là băng bó vết thương; nếu trẻ gãy xương thì cần cố định xương gãy; nếu trẻ ngừng thở thì cần ép tim, thổi ngạt…
Ông Q. có tiền sử bệnh tăng huyết áp từ lâu nhưng chủ quan không đi khám sớm.
Nguồn: [Link nguồn]