Sai lầm dễ mắc khi dùng đèn phát tia cực tím phòng dịch tại nhà

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Để phòng chống COVID – 19, rất nhiều gia đình đã tìm mua đèn phát tia cực tím vì cho rằng chúng có tác dụng. Theo các chuyên gia, người dùng nên cảnh giác với việc sử dụng thiết bị này tại nhà mà không có hướng dẫn của bệnh viện, không cẩn thận nguy hiểm sức khỏe.

Không nên tự sử dụng các thiết bị phát tia cực tím tại nhà vì tia sáng này có hại nếu tiếp xúc trực tiếp. Ảnh minh họa

Không nên tự sử dụng các thiết bị phát tia cực tím tại nhà vì tia sáng này có hại nếu tiếp xúc trực tiếp. Ảnh minh họa

Diệt khuẩn bằng tia cực tím

Dịch bệnh COVID – 19 đang diễn biến phức tạp ở cả trên thế giới và Việt Nam. Hàng ngày tại nước ta vẫn tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới. Với những khuyến cáo từ các nhà chuyên môn, người dân đã chủ động cảnh giác với dịch bệnh. Bên cạnh những biện pháp phòng tránh cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, khử trùng bề mặt các thiết bị di động,... nhiều người còn tìm kiếm các thiết bị khác để phòng chống COVID – 19.

Một trong những thiết bị đang được săn lùng tìm mua là máy phát tia cực tím (UV), đèn chiếu tia cực tím tại nhà để diệt khuẩn, virus. Trên các trang mạng, sản phẩm này được bán khá nhiều. Theo chia sẻ, loại đèn này dùng tia cực tím và hệ thống ống ozone kép để diệt virus trong không khí, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, tia UV hay còn được gọi là tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Khoa học đã chứng minh việc áp dụng các thiết bị chiếu tia cực tím để khử trùng. Khử trùng bằng chiếu tia cực tím là một phương pháp khử trùng sử dụng ánh sáng tia cực tím (ultraviolet_UV) với bước sóng đủ ngắn để giết chết vi khuẩn. Nó được ứng dụng rộng rãi như trong điều kiện vệ sinh y tế, tinh sạch thức ăn, không khí và nước.

Sở dĩ tia cực tím (UV) có tác dụng vậy vì bước sóng rất ngắn, năng lượng lớn nên khi chiếu có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh bằng cách phá vỡ cấu trúc phân tử, phá hủy tế bào của vi khuẩn, virus. Bởi vậy loại tia sáng này có thể được dùng như giải pháp để ngăn chặn virus.

Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), việc dùng đèn chiếu tia UV chuyên dụng để diệt khuẩn một căn phòng là có tác dụng. Thế nhưng, khi đó phải không có người trong phòng để thiết bị hoạt động khoảng 1 giờ thì một số vi khuẩn, virus sẽ bị loại trừ. Không có thiết bị nào mà dùng tia UV diệt khuẩn hoạt động trong một căn phòng có người vì tia UV rất có hại cho sức khỏe của con người tiếp xúc trực tiếp.

Việc mọi người cho rằng chỉ cần phòng bệnh COVID – 19 bằng diệt khuẩn không khí xung quanh là không chính xác. COVID – 19 cũng như các vi khuẩn, virus khác không bay trong không khí mà chúng có môi trường nhất định. Đó là thông qua giọt bắn của người bệnh khi tiếp xúc, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi; tiếp xúc với các bề mặt có dịch tiết của người bệnh bám lên, bàn tay chạm vào rồi vô tình đưa lên mũi, miệng…

Không nên tự ý sử dụng

PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho rằng, mặc dù có tác dụng nhưng không nên tự sử dụng các thiết bị phát tia cực tím tại nhà vì tia sáng này có hại nếu tiếp xúc trực tiếp. Cả 3 bước sóng của tia cực tím là UVA, UVB, UVC đều có những tác động nhất định tới cơ thể con người, trong đó chủ yếu là mắt và da. Nếu có dùng, mọi người chỉ chiếu vào các bề mặt, không gian mình cần khử khuẩn chứ không được chiếu thẳng vào người. Ngoài ra không được chiếu quá lâu, với công suất vừa phải, để khoảng 10 - 15W vì dễ dẫn tới tình trạng bỏng da.

"Các phương pháp diệt khuẩn này có tác dụng nhưng không thể diệt hết tất cả các loại vi khuẩn. Do vậy, người tiêu dùng không nên chủ quan về khả năng tiệt trùng, diệt khuẩn của sản phẩm mà bỏ qua việc vệ sinh sạch sẽ. Trong quá trình dùng cần cẩn thận làm đúng theo các hướng dẫn, khuyến cáo. Nếu mua tại những nguồn kém uy tín không chỉ không khử được mà rước thêm bệnh vào người", PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho hay.

Về tác hại của tia UV, các tổ chức y tế đã chỉ ra, làn da tiếp xúc trực tiếp với bước sóng khử trùng của tia UV có thể gây ra bỏng nắng, thậm chí ung thư da. Sự tiếp xúc của mắt với bức xạ tia UV có thể gây bỏng, tổn thương giác mạc và làm giảm thị lực. Nếu quá lâu có thể gây hại đến võng mạc mắt, gây các bệnh về giác mạc.

BS Khanh cũng nhấn mạnh không khuyến khích việc tự mua và sử dụng các thiết bị phát tia cực tím tại nhà. Khi không am hiểu, việc dùng sẽ rất nguy hiểm khi tiếp xúc trực tiếp tia UV. Trường hợp mua thiết bị chiếu UV, người dùng cần tuân thủ kỹ thuật, sử dụng đúng diện tích, mỗi lần sử dụng khoảng một giờ. Lưu ý thời gian đó không nên ở trong phòng để tránh những sự cố do chùm tia tác động đến da, mắt và các bộ phận khác.

Hiện nay công tác phòng chống dịch ở nước ta đang được kiểm soát tốt. Người dân vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh tiếp xúc tay trực tiếp với mắt, mũi, miệng khi tay không sạch và việc nâng cao sức đề kháng cơ thể sẽ giúp chống lại COVID-19 hiệu quả. Nếu bị sốt, ho và khó thở cần khám sớm, kể cho nhân viên y tế biết chi tiết trước đó đã từng đi những đâu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa qua cũng đã cập nhật vào mục "Phá giải huyền thoại" một số lời đồn phi thực tế về hiệu quả của các thiết bị được cho là diệt khuẩn. Với những chiếc đèn chiếu tia UV, WHO cảnh báo, đèn UV không nên dùng để diệt khuẩn trên tay hay bất kỳ vùng da nào vì sẽ gây kích ứng da...

Chuyên gia hướng dẫn cách khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng

Trước thực trạng khan hiếm khẩu trang phòng chống dịch Covid-19, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN