Sai lầm cha mẹ hay mắc phải khi "trị bệnh" vặn mình ở trẻ
Vặn mình ở trẻ khi ngủ là biểu hiện sinh lý hết sức bình thường, tuy nhiên nhiều bà mẹ vẫn lo lắng bởi hành động này và mách nhau tẩy lông đẹn cho con như một cách "trị bệnh".
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng, nhất là các diễn đàn về việc chăm sóc con cái, nhiều thành viên chia sẻ nhau các trị việc trẻ sơ sinh vặn mình bằng cách tẩy “lông đẹn”. Nhờ đó, trẻ sẽ ngủ ngon hơn, không quấy khóc. Rất nhiều mẹ đã hào hứng áp dụng cách làm này cho con.
Thấy cơ thể con có nhiều lông hơn so với các bé cùng sinh và hay vặn mình, nhiều khi đang ngủ ngon bé vặn là dậy, chị Nguyễn Mai Lan (Hà Nội) đã áp dụng cách mọi người mách. Theo đó dùng lòng trắng trứng trộn với trứng gà thoa khắp người để đánh lông đẹn cho bé.
Khi lông đẹn hết con sẽ ngủ ngon hơn, không còn vặn mình. Chị không ngờ rằng sau khi áp dụng, con chị lại quấy khóc nhiều hơn, da bị tấy đỏ. Đưa con đi khám, bác sỹ cho hay da của bé bị viêm nhiễm nặng.
Việc dùng mẹo tẩy lông để "trị" vặn mình ở trẻ không có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa
Về vấn đề này, GS.TS Phạm Nhật An - giảng viên cao cấp Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: Tẩy lông đẹn cho trẻ chỉ là cách truyền miệng dân gian, không có cơ sở thực tiễn về mặt khoa học. Lông măng hay còn gọi là lông tơ, lông đẹn, lông cáy chính là lớp bảo vệ làn da non nớt của bé trong những năm tháng đầu đời. Khi bé lớn lên theo thời gian khoảng vài tháng chúng sẽ tự dụng dần rồi hết.
Với cách dùng lòng trắng trứng gà trộn với nước cốt tranh để tẩy lông mà nhiều mẹ đang mách nhau rất nguy hiểm với làn da của trẻ. Trẻ sơ sinh làn da còn non nớt, nước cốt chanh lại chứa nhiều axit dễ gây mẩn da trẻ.
Hơn nữa, hỗn hợp lòng trắng trứng gà rất mất vệ sinh, khi xoa lên da của bé có thể sẽ gây nhiễm khuẩn làn da non nớt của trẻ, thậm chí trứng gà sống có thể mang mầm bệnh của cúm gia cầm.
Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh rằng, hiện tượng rướn mình, vặn mình đến đỏ mặt ở trẻ sơ sinh là hết sức bình thường. Giống như người lớn đôi khi mỏi cần vươn vai thì trẻ nhỏ cũng vậy, chúng cũng sẽ vận động bằng việc vặn mình, rướn mình để lớn lên. Đừng vội thấy trẻ hay vặn mình đã cho là bệnh mà lạm dụng những cách chữa không đúng khoa học như trong dân gian thường hay truyền miệng.
Trường hợp trẻ vặn mình quá nhiều có kèm theo các triệu chứng bất thường khác như: ăn kém, ngủ không được, bỏ bú, sút cân, tiêu chảy, rụng tóc… thì cần đưa trẻ đi khám các cơ sở y tế uy tín chứ không nên chỉ dựa vào các dấu hiệu để chẩn đoán bệnh cho con. Trẻ vặn mình đến một thời kỳ, thường là sau khi trẻ được 2-3 tháng sẽ tự biến mất.
Ngoài ra, trẻ vặn mình nhiều khi cũng do bé khó chịu hay do bé hiếu động. Nếu bé hiếu động thích ngọ nguậy thì cứ để cho bé vận động sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn. Nếu bé vặn mình do khó chịu hoặc thường xuyên trong khi ngủ, các bậc cha mẹ cần xem có điều gì làm bé khó chịu không. Chẳng hạn như ngủ nóng quá, phòng bí, tã bị ướt, nhiều tiếng ồn, bé ăn có no hay không…