Rượu vào sức khỏe ra...

Ông N.T.P. - khoảng 40 tuổi, một “đấu sĩ rượu” ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - vừa tử vong trong những ngày giáp tết.

Một số người dân địa phương cho biết ông P. bị quá nhiều bệnh sau nhiều năm “bầu bạn” với rượu.

Sống chết có số?

Vài tuần trước người ta còn thấy ông P. và “chiến hữu” ngày ngày ra vệ đường cởi trần nhậu từ sáng đến trưa. Ông Nguyễn Văn Khéo, một người dân, kể: “Ngày nào mà không thấy mấy ông này nhậu. Nhậu toàn với cóc, ổi. Có rượu là uống, nhiều khi chẳng thèm rót ra ly, cứ bê nguyên chai rồi tu một hơi cho hết”.

Rượu vào sức khỏe ra... - 1

Một “đấu sĩ rượu” ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - vừa tử vong trong những ngày giáp tết.

25 tháng chạp, chúng tôi tìm về nhà ông Phan Văn Thắng ở ấp 2, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An). Ông Thắng là người may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời và sống sót sau vụ đấu rượu khiến một người chết (Tuổi Trẻ ngày 25-10-2012). Căn nhà lọt thỏm cuối xóm đóng cửa im lìm. Một người hàng xóm quanh đó cho hay vợ ông Thắng đã đi làm từ sáng, còn ông Thắng đi đâu từ trưa.

Hỏi thăm một vòng quanh vùng, nhiều người cho biết hội “đấu sĩ rượu” trước nhà ông Út Ra - nơi xảy ra vụ thách đấu dẫn đến một người tử vong - đã giải tán. Tuy đấu trường của những “đấu sĩ rượu” đã giải tán nhưng họ vẫn uống đều đều. “Sống chết có số, trời kêu ai nấy dạ thôi. Rượu nấu ra phải uống chứ chẳng lẽ đem đổ”- một “đấu sĩ rượu” ở Bến Lức trả lời chúng tôi một cách đanh thép như vậy.

Cuối năm, những lò rượu nổi tiếng với thương hiệu Gò Đen trong vùng Bến Lức vẫn nghi ngút khói. Tiếng ồn ào náo nhiệt, “dzô, cạn ly”... vang lên ở những ngôi nhà cúng tảo mộ. Không mấy ai sợ rượu!

Cảnh giác với rượu tết

Theo PGS.TS Phạm Duệ - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hầu như những ca cấp cứu do ngộ độc rượu mỗi dịp tết đều do rượu “xịn” gây ra, trong khi ngộ độc do rượu “dỏm” lại rải rác quanh năm. Ông Duệ giải thích rượu bia “xịn” có nguồn gốc sản xuất được kiểm nghiệm về chất lượng rõ ràng, loại rượu này với thành phần chính là ethanol, nước và một số chất tạo hương vị. Tuy được dùng làm đồ uống pha chế giải khát nhưng ethanol cũng có thể gây hại lên sức khỏe con người vì ức chế, suy giảm hệ thần kinh trung ương. Lâu dài, ethanol có thể gây nghiện hoặc gây ra nhiều tác hại khác đặc biệt về hệ thần kinh như rối loạn tâm thần, mất trí nhớ và các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan...

Trong khi đó, rượu “dỏm” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định về chất lượng, thường được làm theo phương pháp thủ công, do vậy ngoài ethanol có thể có những tạp chất gây độc trong quá trình chế biến. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công còn cho thêm cồn công nghiệp để làm rượu giá rẻ. Chất cồn công nghiệp này dễ mua, dễ tìm. Có thể tìm thấy chất này trong sơn, dung môi làm sạch gỗ, dung dịch rửa kính...

Cũng theo ông Duệ, nguy hại nhất là cách uống rượu trong mỗi dịp tết. Ngoài uống với liều lượng lớn, người ta còn có thể uống quá nhiều loại rượu bia khác nhau cùng một lúc, đặc biệt rượu thuốc có thành phần, công dụng khác nhau, dẫn đến hiện tượng hãm chế, công nhau giữa các thành phần này gây ra nguy hại lên cơ thể. Vì rượu thuốc thông thường dùng chữa bệnh, mỗi lần chỉ được uống một liều lượng rất nhỏ chừng 5-10ml, nếu uống quá nhiều sẽ hại thần kinh, gan mật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.TÀI - S.LÂM - Q.LIÊN (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN