Rượu và thuốc không phải là…"rượu thuốc"
Rượu thuốc có thể dùng chữa bệnh hoặc có thể "bổ ngang, bổ dọc" hoặc "bổ âm, bổ dương", nhưng dùng rượu chung với thuốc thì rất dễ dàng bổ... ngửa.
Rượu bia có thể tương tác với nhiều loại dược phẩm, từ loại được kê toa, không cần kê toa, đến các loại dược thảo tưởng chừng vô hại... Tuy nhiên, sự tương tác này đem lại hậu quả vô cùng tai hại cho sức khỏe. Dưới đây là những loại dược phẩm cần đặc biệt lưu tâm:
Thuốc kháng dị ứng
Rất nhiều loại thuốc kháng dị ứng được bán không cần toa bác sĩ. Nếu không được hướng dẫn kỹ càng, người dùng cứ vô tư mà đưa cay giải sầu theo kiểu "mọi chuyện đã có…thuốc lo". Viện Quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu Mỹ (NIAAA) khuyến cáo những người sử dụng các thuốc kháng dị ứng không được "nhắp môi" vì rượu sẽ gây choáng váng, xây xẩm và làm tăng tác động của thuốc. Những loại thuốc kháng dị ứng phổ biến là loratadine, diphenhydramine, chlorpheniramine và ceterizine.
Uống rượu bia trong thời gian dùng thuốc là tự hại mình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thuốc chống lo âu
Những người đang dùng các loại thuốc chống lo âu như alprazolam, lorazepam và clonazepam không được uống rượu bia. Nếu quên lo mà chén chú chén anh thì sẽ bị khó thở, ảnh hưởng đến trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động và ngộ độc thuốc.
Thuốc trị tiểu đường
Những bệnh nhân tiểu đường type 2 đang sử dụng các loại dược phẩm như metformin và glyburide để kiểm soát đường huyết khi uống rượu bia sẽ làm giảm đường huyết (hypoglycaemia) một cách nghiêm trọng. Ở cấp độ nặng có khi phải vào bệnh viện cấp cứu. Nếu uống rượu lúc bụng đói thì mức độ gây hại càng cao.
Thuốc trị cao huyết áp
Có rất nhiều dược phẩm dùng để kiểm soát huyết áp. Thuốc trị cao huyết áp không được uống chung với rượu bia vì có thể gây bất tỉnh, loạn nhịp tim, choáng váng...
Thuốc làm giãn cơ
Những thuốc làm giãn cơ, trị đau cơ thường là những thuốc làm dịu kết hợp với các chất như cyclobenzaprine hay carisoprodol có thể gây xây xẩm, choáng váng, khó thở, suy giảm trí nhớ...
Thuốc giảm đau loại narcotic
Tuyệt đối không được uống rượu khi dùng các thuốc giảm đau narcotic như oxycodone hay hydrocodone vì sẽ gây ra sự rối loạn hành vi, mất kiểm soát vận động, khó thở, có vấn đề về trí nhớ, quá liều thuốc...
Các loại dược thảo
Nhiều người nghĩ rằng dược thảo rất an toàn vì chúng có nguồn gốc thiên nhiên. Tuy nhiên, vài loại dược thảo gây tác hại nghiêm trọng nếu tương tác với bia rượu. Một số gây tổn thương gan, xây xẩm, uể oải...
Thuốc giảm đau thông thường
Đây là sai lầm mọi người thường gặp và hay được "áp dụng" nhất. Khi uống rượu thường hay bị nhức đầu, nhức mình, ta thường "chữa cháy" bằng các loại thuốc giảm đau như paracetamol, aspirine... Paracetamol (panadol) nếu uống chung với rượu sẽ có thể gây tổn thương gan, suy gan. Tại Mỹ, nguyên nhân số 1 gây suy gan là do sử dụng paracetamol chung với rượu bia. Paracetamol không những đứng "solo" mà còn có chung trong thành phần của những loại thuốc khác, do đó càng làm tăng nguy cơ tổn thương gan khi dùng chung rượu bia. Bản thân rượu bia cũng đã là một sát thủ đối với gan. Đằng này lại thêm paracetamol thì cũng như "song kiếm hợp bích" đâm nát lá gan. Đã có vài trường hợp suy gan nặng do uống paracetamol chung với rượu đến nỗi phải ghép gan.
Riêng aspirin và các chất kháng viêm không steroidal (nonsteroidal anti-inflammatory drugs - NSAIDs) sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa. Nguy cơ này càng tăng thêm nếu bụng đói, uống rượu bia...
Thuốc kháng trầm cảm
Những bệnh nhân trầm cảm càng nên đặc biệt lưu ý. Khi trầm cảm người ta thường "mượn rượu giải sầu". Tuy nhiên, các loại thuốc kháng trầm cảm sẽ gây hại cho cơ thể khi uống rượu. Rượu làm tăng hoạt động của thuốc nên nguy cơ ngộ độc thuốc dễ xảy ra. Các loại thuốc trầm cảm khi dùng chung với rượu sẽ càng tăng thêm cảm giác vô vọng và làm tăng nguy cơ tự kết liễu đời mình.
Kẻ "lừa thầy, phản bạn" Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo rằng tốt nhất là nên tránh xa rượu bia khi đang dùng dược phẩm bởi vì rượu bia có thể làm tăng hay giảm tác động của thuốc. Các dạng dược phẩm khác nhau sẽ có những tương tác khác nhau đối với rượu bia. Nếu không lưu ý, không cẩn trọng là bạn tự "thuốc" mình. Dù là bệnh mãn tính dùng thuốc suốt đời hay dùng thuốc để chữa những bệnh cấp thời, rượu bia bao giờ cũng là kẻ "lừa thầy, phản bạn". Do chưa có nghiên cứu nào về việc uống rượu trước hay sau uống thuốc bao lâu thì cặp đôi không hại gan nên lời khuyên tốt nhất là đừng uống rượu trong khi dùng thuốc. |
Rượu thuốc là thứ đồ uống khá phổ biến, đặc biệt nó được xem là thức uống quý để thiết đãi khách trong dịp...