Rượu thuốc, rượu ngâm đều là rượu bổ?
Nhiều người có thói quen ngâm rượu uống để tẩm bổ sức khỏe, nhất là uống trong các dịp lễ Tết… nhưng các loại rượu này có phải đều là rượu bổ không, dùng thế nào cho đúng?
Thế nào là rượu thuốc
BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, rượu thuốc là dạng thuốc lỏng, được điều chế bằng cách hoà tan, chiết xuất dược liệu thực vật và động vật đã chế biến theo yêu cầu, với rượu hoặc ethanol có nồng độ thích hợp; có thể thêm các chất làm thơm, làm ngọt, dùng để uống hoặc đôi khi dùng ngoài. Khác với cồn thuốc, rượu thuốc thường có nồng độ cồn thấp hơn.
Công thức rượu thuốc theo các bài thuốc cổ truyền hoặc theo đơn nên thành phần có nhiều dược liệu khác nhau:
- Dược liệu thảo mộc: Thường dùng các dược liệu đã đạt tiêu chuẩn (ít dùng dược liệu độc) như lá, vỏ rễ cây, củ… (ví dụ: Ba kích, Hà thủ ô, Sâm các loại, Quế, Đương quy, Dâm dương hoắc…).
Các vị thuốc có thể ngâm rượu.
- Dược liệu động vật: Rắn, rết, tắc kè, hải mã, hải long, bào ngư, bìm bịp…; có thể là cao động vật (cao hổ cốt), cũng đạt được tiêu chuẩn theo Dược điển.
- Dung môi: Rượu ethylic, độ cồn dùng từ 30 – 90 độ tùy theo dược liệu. Trong thực tế thường dùng rượu ngũ cốc (tốt nhất là rượu tăm), độ rượu từ 40 – 50 độ. Với nguyên liệu là động vật thường dùng rượu có độ cồn cao hơn.
- Chất điều vị: Dùng đường hoặc xiro để rượu có vị ngọt dễ uống, thêm bổ dưỡng, tăng độ nhớt, bảo quản tốt hơn, hạn chế tủa của tạp chất và giảm kích ứng của cồn.
- Chất điều hương: Thường dùng tinh dầu (quế, cam), có thể cho thêm trần bì để lấy hương thơm trong rượu, cũng có thể dùng hóa chất (vanilin),
- Chất màu: Dùng đường cháy (caramen) để tạo màu cho rượu. Màu cánh gián được cho là đẹp mắt.
Cách dùng rượu thuốc: Rượu thuốc là một phương pháp chữa bệnh quan trọng trong y học cổ truyền. Nhiều cách ngâm ủ rượu thuốc tốt, có giá trị lại hiệu quả, vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay.
Có thể dùng để uống (rượu bổ, rượu rắn, rượu tắc kè…) hoặc đôi khi dùng ngoài (cồn xoa bóp, rượu rết…).
Liều lượng và cách sử dụng cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng sức khỏe cụ thể của người sử dụng, theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.
Rượu thuốc càng ngâm lâu càng tốt?
Việc sử dụng rượu thuốc, rượu ngâm quá mức, không đúng cách có thể mang lại một số nguy cơ và tác động tiêu cực đối với sức khỏe, sẽ hại cho gan, tim, não...
Theo BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, thời gian ngâm rượu là khác nhau tùy từng loại thảo dược, số lượng, mức độ phân chia của dược liệu có thể ngâm từ 10 – 100 ngày hoặc hơn. Thời gian ngâm có thể ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng rượu, nhưng không nhất thiết làm tăng giá trị dinh dưỡng hay lợi ích sức khỏe.
- Mỗi loại rượu có yêu cầu khác nhau về thời gian ủ, có loại ngâm càng lâu càng tốt (rượu vang), có loại có thể yêu cầu thời gian ủ ngắn hơn nên dùng ngay không nên để lâu (rượu hoa quả).
- Rượu càng ngâm lâu các tinh chất có trong dược liệu càng được tiết ra. Thời gian ngâm quá lâu có thể dẫn đến việc chiết xuất các chất độc tố từ một số nguyên liệu thảo mộc, tăng nguy cơ ngộ độc khi uống.
- Rượu ngâm nếu điều kiện lưu trữ không tốt, thời gian quá dài sẽ ở một mức độ nào đó làm cho ethanol bay hơi, khiến nồng độ giảm thấp, tác dụng kháng khuẩn sẽ giảm đi, thảo dược có thể sinh ra nấm mốc, khi uống có thể gây ngộ độc rượu.
Chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng uống loại rượu càng ngâm lâu năm sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Quan trọng là uống một lượng rượu có giới hạn, cân nhắc tình hình sức khỏe cụ thể của bản thân và hỏi thầy thuốc đông y về loại rượu thuốc mà mình uống.
Nguy cơ khi dùng rượu thuốc, rượu ngâm sai cách
BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ nhấn mạnh, việc sử dụng rượu thuốc, rượu ngâm quá mức, không đúng cách có thể mang lại một số nguy cơ và tác động tiêu cực đối với sức khỏe, sẽ hại cho gan, tim, não, tổn thương hệ thống thần kinh, gây ra nhiều loại bệnh tật, hơn nữa có thể rút ngắn tuổi thọ của con người. Cụ thể:
- Ngộ độc rượu: Rượu thuốc là rượu kết hợp với thuốc, uống lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc do quá liều của thuốc.
- Đột quỵ cấp, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp…
- Gây nghiện: Rượu là một chất gây nghiện. Khi sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến nghiện rượu. Nghiện rượu có thể tạo ra nhiều vấn đề sức khỏe và xã hội. Uống rượu thuốc lượng vừa phải là một lạc thú, có thể giúp khai vị, kích thích ăn ngon miệng… nhưng uống lâu dài hoặc uống quá nhiều dẫn đến nghiện rượu là một nỗi đau tinh thần, có thể gây ra rối loạn thần kinh, mất kiềm chế.
- Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần: Có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như stress, lo lắng, và trầm cảm, thay đổi nhân cách, tinh thần bất ổn, trí nhớ kém đi…
- Tổn thương gan: viêm gan, xơ gan, ung thư gan…
- Nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ: Làm tăng chất béo nội tạng, huyết áp cao, tăng đường huyết (nguy cơ gây đái tháo đường), bệnh tim, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.
- Ảnh hưởng tình dục: Sử dụng rượu không đúng cách có thể gây ra vấn đề về sinh lý, giảm ham muốn tình dục và khả năng cương cứng.
- Tương tác với thuốc khác: Rượu và một số thuốc (dược liệu) trong rượu thuốc có thể tương tác với các thuốc khác đang sử dụng, làm tăng/giảm hiệu quả của thuốc hoặc tạo ra các tác dụng phụ không mong muốn.
Vì vậy, khi sử dụng loại rượu thuốc hoặc rượu ngâm nào, nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế, người có chuyên môn để đảm bảo rằng việc sử dụng là an toàn và hợp lý với tình trạng sức khỏe bản thân. Đồng thời, quản lý lượng rượu sử dụng và tuân thủ các hướng dẫn sử dụng.
Việc lạm dụng đồ uống có cồn có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Vậy cần làm gì để bảo vệ lá gan trước những tác hại của rượu, bia ngày tết? Mời quý vị cùng lắng nghe tư vấn từ chuyên gia.
Nguồn: [Link nguồn]