Rước họa vào thân vì thói quen tự truyền dịch

Nhiều người quan niệm rằng cứ ốm sốt là có thể truyền dịch và truyền dịch là sẽ khỏi. Ít ai biết rằng việc tự ý truyền dịch không những vô tác dụng mà còn gây nguy hiểm.

Tự ý truyền dịch, người ốm càng ốm

Vừa sảy thai 2 ngày chị Thanh Thảo ở Ba Vì, Hà Nội đã phải đi làm. Không được kiêng cữ nhiều, lại ít chú ý bồi bổ sức khỏe nên chị Thảo luôn trong tình trạng mệt mỏi. Dù đã bỏ thai được mấy tháng nhưng chị vẫn gầy yếu, xanh xao và thường xuyên phải xin công ty nghỉ ốm.

Nhớ lại một lần có chị ở công ty vừa ốm dậy cũng trong tình trạng người mệt mỏi, gây yếu như mình nhưng sau khi truyền 3 chai nước hoa quả vào người thì đã khỏe lại, da dẻ mịn màng khác hẳn, chị Thảo liền chị Thảo liền nhờ cô y tá gần nhà đến truyền luôn với hy vọng tình trạng sức khỏe sẽ cải thiện.

Truyền hết một chai, chị thấy vẫn bình thường nhưng khi truyền hết chai thứ hai chị thấy người mệt rũ, choáng váng. Nghĩ rằng do người yếu nên chị dừng lại. Tuy nhiên, càng nằm nghỉ chị càng mệt kéo theo những con buồn nôn, rồi nôn tại chỗ mãi không dứt.

Người nhà vội vàng đưa chị đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ kết luận chị bị sốc phản vệ do truyền dịch và nước hoa quả. Cũng may kịp thời đưa đến viện nếu không sẽ xảy ra nhiều tai biến nguy hiểm.

Rước họa vào thân vì thói quen tự truyền dịch - 1

Truyền dịch phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Lê Hường

Không chỉ lạm dung dịch truyền để cải thiện sức khỏe, nhiều chị em còn có ý tưởng truyền dịch, hoa quả để cải thiện nhan sắc mà không biết rằng chính việc lạm dụng truyền dịch này nhiều người suýt mất mạng.

Chị Bích Liên ở Hoàn Kiếm, Hà Nội là một điển hình. Nghe bạn bè kháo nhau truyền hoa quả giúp cải thiện nhan sắc đáng kể. Tiện một công đôi việc, vừa làm khỏe người vừa làm da dẻ mịn màng, chị mua về thử luôn.

Không ngờ, đẹp đâu không thấy, truyền hết 2 chai, chị bị mẩn đỏ khắp người. Đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ cho biết chị bị dị ứng do thể trạng không tương thích với dung dịch truyền.

Bác sĩ điều trị còn cảnh báo dung dịch hoa quả dùng để truyền cho người bệnh để bổ sung một số loại vitamin cần thiết chứ không phải "thần dược" làm đẹp như nhiều người lầm tưởng.

Không nên tự ý truyền dịch

Việc truyền dịch, nước hoa quả chỉ phát huy tác dụng khi được dùng đúng chức năng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người tự ý mua dung dịch về truyền, thậm chí truyền vì mục đích không liên quan đến sức khỏe. Tự ý truyền dịch như vậy không chỉ làm mất tác dụng mà còn ẩn chứa những hậu quả khó lường. Người truyền có thể bị sốc phản vệ, dị ứng dịch truyền, viêm tĩnh mạch…

Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho rằng truyền dung dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể lạm dụng, nếu chỉ hơi mệt, ốm, ăn không ngon, ngủ kém… là truyền thì không nên.

Nước hoa quả là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp, có thể cải thiện sức đề kháng, giúp ăn ngon nên chỉ dành cho những trường hợp yếu sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, ăn uống kém.

Theo bác sĩ Huệ khuyến cáo, dịch truyền chỉ thực sự có lợi khi cần thiết phải sử dụng. Đối với những  trường hợp bình thường thì dịch truyền không những không có lợi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể một số tai biến nguy hiểm.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người cố ý lạm dụng, tự ý truyền dịch, đôi khi không bệnh tật gì mà thích là truyền. Chính việc tùy tiện truyền dịch này làm nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, sốc phản vệ, dị ứng gây khó thở, đau ngực nếu không kịp thời xử lý diễn biến sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý tiến hành truyền dịch, nước hoa quả.

Cần xác định rằng, việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ, để xác định tình trạng sức khỏe bệnh nhân chỉ định truyền những loại dung dịch phù hợp. Đặc biệt, cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối, nơi truyền phải đủ các điều kiện xử lý chống sốc đề phòng sự cố.

Một điều quan trọng nữa là người bệnh phải được theo dõi thật kỹ trong suốt quá trình truyền dịch, để khi xảy ra tai biến hay biến chứng sẽ được xử trí cấp cứu kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hường (TTVN)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN