Rước họa từ "trợ thủ" làm đẹp 3 vòng

Đối với các thiếu nữ, ngực vẫn đang trong quá trình phát triển, nếu dùng áo nâng ngực sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tự nhiên của ngực.

Hoàng Oanh, 25 tuổi, là nhân viên văn phòng của một công ty nước ngoài. Do đặc thù công việc mà Hoàng Oanh luôn phải ăn mặc đẹp. Nhưng vì không được trời phú cho "vòng 1" đầy đặn nên Hoàng Oanh luôn tự ti khi diện những bộ đồ bó, ôm sát cơ thể. Cuối cùng, để khắc phục khiếm khuyết này, Hoàng Oanh chọn cho mình sản phẩm áo nâng ngực.

Thế nhưng chỉ sau một tuần sử dụng, Hoàng Oanh đã phải ngậm ngùi "chào tạm biệt" "trợ thủ" này vì chị bị ngứa khắp 2 bên ngực, dưới bầu vú do mồ hôi đọng lại quá nhiều.

Theo các chuyên gia sức khỏe thì ngoài áo nâng ngực, một số sản phẩm khác giúp nâng cấp các "vòng" của cơ thể người phụ nữ như áo thít eo, quần độn mộng, quần chip làm gọn bụng... đều không hẳn là tối ưu cho người sử dụng.

Áo nâng ngực

Bạn có "vòng 1" quá khiêm tốn. Đừng quá buồn. Với sự phát triển của ngành thời trang như hiện nay thì mọi mơ ước của bạn đều có thể thành hiện thực. Bạn hoàn toàn có thể làm cho "vòng 1" của mình không kém gì các cô người mẫu, hoa hậu... đơn giản chỉ bằng... áo nâng ngực.

Thế nhưng, các chuyên gia lại khuyến cáo bạn cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm nâng ngực. Bởi lẽ, để ngực từ "không thành có", áo nâng ngực sẽ phải bó chặt để đẩy lên. Mà thực tế, bất kỳ bộ phận cơ thể nào nếu bị chèn ép, bó buộc thì sự phát triển tự nhiên của nó đều bị ảnh hưởng xấu, nhất là với vòng ngực - vùng cơ thể nhạy cảm có nhiều dây thần kinh.

Rước họa từ "trợ thủ" làm đẹp 3 vòng - 1

Áo nâng ngực chèn ép tuyến sữa và kéo theo nhiều hệ lụy khác

Áo nâng ngực có cấu tạo đặc biệt thường được thiết kế với gọng cứng bằng kim loại ở phía dưới, gọng áo và phần mút phải ép sát vào phần chân ngực và một bên ngực, đẩy toàn bộ cơ ngực lên phía trên và vào giữa (nhằm tạo khe). Điều này trước tiên là gây khó chịu cho người mặc, về lâu dài sẽ khiến máu khó lưu thông, hạn chế hô hấp, chèn ép tuyến sữa và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Áo thít eo

Nếu như áo nâng ngực có tác dụng đẩy "vòng 1" lên cho thật quyến rũ thì áo thít eo lại có tác dụng cho bạn một "vòng 2" lý tưởng, đúng chuẩn "thắt đáy lưng ong".

Thế nhưng, loại áo này cũng đi kèm với những mối đe dọa sức khỏe mà có thể bạn đã biết nhưng vẫn cố tình bỏ qua. Trước hết, áo thít eo làm co thắt vùng bụng và bàng quang, về lâu dài có thể dẫn tới rò rỉ nước tiểu. Nếu mặc áo thịt eo liên tục trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy, gây khó thở, choáng và ngất. Nếu mặc áo này trong và sau bữa ăn, áp lực ở bụng dưới càng tăng lên, đẩy lượng axit lên ống dẫn thức ăn dẫn đến ợ nóng.

Quần độn mông

Rước họa từ "trợ thủ" làm đẹp 3 vòng - 2

Nhiều chị em cố mặc quần độn mông sau đó bị nhiễm nấm

Nếu được hỏi, chắc chắn chị em sẽ chấm điểm cộng cho loại trang phục này, bởi lẽ nó giúp chị em có được vòng 3 như ý khi mặc bất kì bộ cánh nào.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm đó, quần độn mông cũng có những nhược điểm. Nhược điểm này chính là nguyên nhân khiến quần độn mông trở thành "kẻ thù" của sức khỏe chị em. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Phòng khám sản Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà cho biết khá nhiều chị em về mùa nóng thường bị viêm nhiễm vùng kín do muốn "cải thiện vòng 3" to hơn. Mùa nóng, môi trường âm đạo bị ẩm, mồ hôi ra không được hút sẽ khiến vi khuẩn hoạt động rất mạnh gây nấm ngứa.

Có những chị em mặc dù bác sĩ dặn nên bỏ hẳn quần độn mông nhưng vì thẩm mỹ nên cố mặc và liên tục bị viêm nhiễm, nấm ngứa lâu ngày dẫn đến viêm phần phụ bên trong có thể gây vô sinh.

Quần "chip" làm gọn bụng

Có ưu điểm là "cất đi" những mỡ thừa ở bụng một cách kín đáo mà quần chip làm gọn bụng được khá nhiều chị em lựa chọn, nhất là chị em thừa cân hoặc mới sinh con. Thế nhưng, không ít chị em chỉ cố gắng mặc loại quần này được vài lần, sau đó bỏ hẳn không thương tiếc.

Bởi lẽ, loại trang phục này được may bằng vải co giãn, dày nên không thoáng khí. Khi mặc, da bị tiết mồ hôi liên tục, gây ra tình trạng ẩm ướt. Đây là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, nấm ngứa xâm nhập gây bệnh. Đó chính là lý do rất nhiều phụ nữ sau một thời gian sử dụng loại trang phục này đã phải đi chữa viêm da và bệnh phụ khoa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HN (Afamily)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN