Rước bệnh vì... rau bẩn

Hiện rau bán tại các chợ đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá mức cho phép. Hằng ngày, nếu ăn nhiều loại rau này là chúng ta đang tự rước bệnh vào người…

Vào 3 giờ sáng mỗi ngày, những quầy hàng của các chợ đầu mối ở Hà Nội như Long Biên, Dịch Vọng, chợ đầu mối phía nam hay chợ rau Vân Nội (huyện Đông Anh)... đã chất đầy rau muống, rau cải các loại, đỗ quả, rau bí, rau ngót, cải xoong, rau cần và dưa chuột… Loại rau nào cũng xanh nõn, mượt mà nhất là những ngày trời nồm ẩm, rau càng xanh mượt, bắt mắt hơn. Từ 5 đến 6 giờ là rau của chợ đầu mối được đưa về khắp các chợ dân sinh trong thành phố. Với kinh nghiệm của một người đi chợ lâu năm trong thời buổi rau xanh mượt do hóa chất, chị Kim Anh ở quận Ba Đình, Hà Nội không chọn những bó rau xanh mượt đó để mua, chị lặng lẽ đi về phía cuối chợ để mua những mớ rau xấu mã hơn. Chị nói với tôi, rau trông xấu nhưng tốt hơn cho sức khỏe…

Rước bệnh vì... rau bẩn - 1

Rau muống trái mùa xanh mượt vì hóa chất

Gần hai năm trước đây, khi đến vùng trồng rau ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh người nông dân bịt khẩu trang kín mít pha thuốc từ sâu chuẩn bị phun vào những luống đỗ trĩu quả. Trên bờ ruộng, vỏ của các hóa chất vứt ngổn ngang. Phải mấy ngày nữa, những luống đỗ quả của gia đình người nông dân này mới đến lứa thu hoạch, vì sợ sâu ăn hỏng đỗ nên họ phun thuốc trừ sâu. Do lượng thuốc sâu pha quá đậm, bốc mùi nồng nặc, nên người phun thuốc thỉnh thoảng phải bỏ giữa chừng để chạy ra khu đất trống gần đó tranh thủ hít thở ít không khí trong lành rồi tiếp tục phun cho hết lượng thuốc sâu đã pha.

Theo quy định, rau sau khi phun thuốc sâu từ 10-15 ngày mới thu hoạch, lúc đó dư lượng thuốc BVTV trong rau chỉ còn ít, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nhưng thực tế, chỉ 2-3 ngày sau khi phun thuốc là mọi người đã hái rau mang bán, miễn sao lợi nhuận càng nhiều càng tốt… Không chỉ riêng đỗ quả, mà hầu như tất cả các loại rau thường xuyên được phun thuốc trừ sâu như trên.

Điều đáng sợ hơn là một số loại rau còn được phun thuốc kích thích tăng trưởng để nhanh phát triển, thu hoạch được nhiều hơn, nhất là trong những ngày thời tiết giá lạnh. Một cơ quan nghiên cứu đã thử nghiệm phun thuốc kích thích tăng trưởng đối với rau muống. Sau khi phun thuốc một ngày, rau đã dài đến 10cm dù thời tiết khá lạnh… Trong khi đó, nếu rau muống trồng bình thường phải hơn nửa tháng mới cao khoảng 30cm… Ngoài rau muống, rau bí còn một số loại rau có ngọn khác cũng được phun thuốc tăng trưởng để nhanh phát triển và non hơn… Loại thuốc kích thích này được nông dân gọi với cái tên là GA3 (axít gibberellic) không nằm trong danh mục cho phép sử dụng.

Những con số báo động

Tháng 12/2012, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) kiểm tra 50 mẫu rau ăn sống thì phát hiện 29 mẫu rau (chiếm 58%) có dư lượng thuốc BVTV. Các loại rau ăn lá như rau muống, rau cải ngọt, rau ngót cùng đỗ quả… là những loại có dư lượng thuốc BVTV cao nhất. Cũng trong tháng 12, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã công bố con số thống kê một đợt khảo sát gần nhất là 51,24% mẫu rau phát hiện mức dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng; 47% mẫu rau có dư lượng vượt ngưỡng NO3. Đây thực sự là những con số báo động đối với sức khỏe người dân hằng ngày sử dụng rau xanh.

Rước bệnh vì... rau bẩn - 2

Cà rốt, rau su su non mượt cũng do hóa chất

Tháng 8/2012, một bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh bị tử vong do trùng amip “ăn não” làm nhiều người lo sợ. Nhưng điều đáng sợ hơn khi PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội và các cộng sự của ông đã tiến hành nghiên cứu trên 660 mẫu rau xanh tưới bằng nước thải tại thành phố và nông thôn tỉnh Nam Định, kết quả cho thấy có tới 72% rau ở nông thôn, 53% rau ở thành phố có tỷ lệ nhiễm đơn bào, trong đó có cả khuẩn ecoli và bào nang amip. Ngoài ra, tỷ lệ rau nhiễm trứng giun, sán… khá cao. Vì vậy người dân nên ăn chín, uống sôi, rửa rau thật sạch, đặc biệt nên rửa rau dưới vòi nước chảy để loại bỏ ký sinh trùng. Đồng thời, nên bỏ thói quen tưới rau bằng nước thải vì tưới rau bằng nước bẩn rất dễ mang trùng amip.

Rau xanh bày bán tại các chợ dân sinh TP Hà Nội hiện nay không chỉ bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng mà cả nguồn nước dùng để tưới rau hằng ngày đều lấy từ các cống rãnh nước thải, nước của các sông, ao, hồ ô nhiễm. Nguồn nước bẩn này đã làm cho các loại rau thêm nhiễm khuẩn, chủ yếu là vi khuẩn coliform và các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Theo một giáo sư của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu tưới rau bằng nguồn nước thải nước sinh hoạt thì các chất tẩy rửa có trong nước thải thường bám vào rau. Người tiêu dùng khi ăn phải các chất này trong rau về lâu dài sẽ bị viêm loét dạ dày...

Ngày càng nhiều vụ ngộ độc vì rau “bẩn”

Nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình ở thành phố hiện nay lớn hơn rất nhiều so với việc sử dụng thịt, cá… Và rất nhiều gia đình có thể thiếu thịt, thiếu cá chứ không thể thiếu rau trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng ngày nào họ cũng phải mất tiền để sử dụng các loại rau không bảo đảm vệ sinh thực phẩm (rau “bẩn”) đe dọa đến sức khỏe.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã xảy ra một số vụ ngộ độc tập thể. Ngay cả trong tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012 thì vẫn xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể ở các tỉnh Bình Định, Bình Dương và Lâm Đồng. Ngoài ra cũng có rất nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra sau khi ăn cỗ đám cưới, đám ma, đám giỗ. Bên cạnh những vụ ngộ độc tập thể như trên, còn có rất nhiều người được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng “miệng nôn, trôn tháo” do bị ngộ độc thức ăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc đó là do mọi người sử dụng rau xanh mua tại các chợ có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép.

Hằng ngày khi người tiêu dùng ăn các loại rau, củ, quả có chứa thuốc trừ sâu, chất kích thích chưa phân hủy hết, thì hoạt chất có trong thuốc kích thích đó vào cơ thể con người sẽ gây ngộ độc. Theo thời gian, các hóa chất độc hại này cứ ngấm dần vào cơ thể người ăn, sẽ dẫn đến các bệnh nan y như ung thư, suy thận… Mặt khác, tình trạng nhiễm nitrat từ đạm bón cho rau quả rất nhiều, nếu dư lượng nitrat từ đạm quá nhiều trong rau quả có thể cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản, dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận.

Điều đáng nói là, trong khi người nông dân sử dụng nhiều loại hóa chất, nguồn nước ô nhiễm để chăm sóc cho rau xanh non mượt mà, nhằm tăng năng suất với mục đích làm sao kiếm được càng nhiều lời càng tốt… không cần quan tâm đến việc ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng, nhưng họ tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc chỉ ăn những loại rau trồng không sử dụng các loại hóa chất và dùng nước sạch để tưới rau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà (Petrotimes)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN