Rước bệnh vì ăn sống hải sản
Ăn hải sản tái, sống, ngoài nguy cơ bị nhiễm virus tiêu chảy còn có nguy cơ bị dị ứng, viêm gân cơ hoặc nhiễm tạp, tảo độc...
Hải sản càng to càng nhiều độc tố
Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ TP HCM và Trường Đại học Y TP HCM đã dùng kỹ thuật sinh học phân tử, phân tích 40 mẫu hải sản (nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo, sò đá, móng tay, hàu) và phát hiện virus độc hại Norovirus – nguyên nhân chính gây tiêu chảy cho con người.
Theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, các món hải sản ngon, giàu dinh dưỡng như đạm, canxi, omega 3, vitamin, khoáng chất, ít cholesterol (trừ tôm, mực, trứng cá). Đặc biệt hải sản rất giàu hàm lượng kẽm –một trong những chất giúp tăng “sức mạnh” phòng the. Tuy nhiên, ăn hải sản sống, gỏi, tái không chỉ nhiễm Norovirus mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như dị ứng, viêm gân cơ (tuy hiếm gặp và có lúc tắt, có lúc lại bùng lên). Norovirus nhiễm vào hải sản từ môi trường sống như nước, bùn…và di chuyển rất nhanh từ vùng nước này sang vùng nước nên khả năng lây bệnh nhiều.
Ngoài ra, do hải sản sống ở ngoài biển nên dễ bị nhiễm tạp, tảo độc. Với tôm, mực, ốc, nhuyễn thể (trai, hến…) hay có một số protein độc lạ. Chính vì vậy, hải sản càng to (trai, hến…) càng tồn nhiều độc tố.
Theo các nhà khoa học, hải sản vỏ cứng ngoài Norovirus (có ở hàu và các loại sinh vật biển vỏ cứng), còn có Sapovirus, virus viêm gan A, Enterovirus, vi khuẩn Vibrio para haemolyticus… Nhưng Norovirus là nguyên nhân chính thứ hai gây bệnh tiêu chảy, viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em và có thể tử vong nếu không bù nước kịp thời.
Ngoài ăn gỏi, các nhà dinh dưỡng còn khuyến cáo khi ăn lẩu hải sản cần chờ cho nước sôi kỹ mới nhúng hải sản và rau, sau đó cũng cần chờ sôi kỹ mới ăn, không nên ăn tái. Vì nếu lẩu chưa đun sôi kỹ, nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn trong nồi lẩu chưa kịp bị tiêu diệt sẽ bám vào rau, ăn vào sẽ gây bệnh.
Nên ăn thăm dò trước
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu ăn gỏi sống ở nơi càng ở xa biển, mức độ nguy hiểm càng cao vì thời gian bảo quản lạnh dài và khó khăn, tạo môi trường cho các vi khuẩn sẽ phát triển. Virus tiêu chảy trong hải sản gây nhiễm độc cấp tính, ăn vào rất nhanh có triệu chứng, nhưng cùng một mâm ăn, có người bị nhiễm, có người không do khả năng tự kháng kém.
Nếu tới vùng biển lạ hoặc ít có cơ hội ăn hải sản thì nên ăn thăm dò mỗi bữa một ít trước, rồi ăn nâng dần lên. Khi có triệu chứng dị ứng, tiêu chảy tốt nhất nên dừng ăn, nếu tiêu chảy liên tục 3 – 5 lần trở lên mà không có dấu hiệu cầm thì sớm tới bệnh viện, tránh để suy sụp sức khỏe.
Ăn hàu sống tốt cho chuyện phòng the nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn.
Về Norovirus gây tiêu chảy cấp tính, theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu người khỏe nhiễm virus này sẽ bị tiêu chảy dữ dội. Các triệu chứng hay gặp là nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức các bắp cơ, sốt nhẹ và nóng lạnh… Trẻ em nôn mửa nhiều hơn người lớn.
Norovirus gây bệnh xong là chết, không thành dịch và cũng chỉ sống ở môi trường hải sản, nhưng nguy hiểm là Việt Nam và cả thế giới chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa.
Vì vậy, người tiêu dùng bảo vệ sức khoẻ bằng cách vệ sinh trong chế biến, ăn uống thực phẩm. Nên ăn hải sản chín, chế biến với dụng cụ sạch sẽ, môi trường vệ sinh tốt (vì đã có trường hợp thực phẩm nấu chín, nhưng do vật dụng ăn uống như bát đĩa, nồi xoong không sạch virus này cũng nảy nở sinh sôi gây bệnh). Nên uống thuốc tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần nếu hay ăn đồ sống, gỏi, tái.
Lưu ý khi ăn hải sản
- Ăn nghêu, sò, ốc, hến… không nên uống bia vì chất đạm thừa tồn trong cơ thể sẽ đau và sưng các khớp cơ.
- Ăn hải sản xong không nên tráng miệng bằng hoa quả nho, lựu, hồng... vì có axít, tiếp xúc với protein trong hải sản sẽ lắng đọng, dẫn đến khó tiêu.
- Sau ăn hải sản mà có thấy đau bụng, nôn, tiêu chảy thì chắc chắn đã bị nhiễm vi khuẩn, nên tới bệnh viện ngay.