Rùng mình nối mi giả
Chỉ cần bỏ ra khoàng 150.000- 200.000đ/mắt, chị em sẽ sỡ hữu hàng mi dài, cong vút, làm cho đôi mắt “biết nói” hơn. Thế nhưng, việc nối mi đang tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đối với “cửa sổ tâm hồn”.
Dán mi bằng keo gì?
So với các loại hình làm đẹp và thẩm mỹ khác, nối mi được coi là dịch vụ khá rẻ và đơn giản. Hầu hết các cơ sở cắt tóc gội đầu, thẩm mỹ viện đều làm dịch vụ “ăn khách” này. Thậm chí, nhiều cơ sở còn có dịch vụ “nối mi tại nhà”, khách hàng chỉ cần để lại địa chỉ và số điện thoại. Ngay lập tức, sẽ có nhân viên thẩm mỹ đến tận nhà để phục vụ, nhanh chóng, tiện lợi.
Thử gọi điện đến một cơ sở “nối mi tại nhà”, nhân viên không ngừng quảng cáo với chúng tôi “Nối mi thường sử dụng hai chất liệu chính, là mi thường và mi lụa. Giá nối mi thường là 150.000/mắt còn giá nối mi lụa là 200.000/mắt. Tùy vào sự lựa chọn của khách, người thực hiện sẽ chọn độ dày mỏng, dài ngắn cho hàng mi của chủ nhân. Thời gian nối chỉ mất khoảng 30 phút, toàn bộ nguyên liệu keo dán, chất liệu mi đều là hành nhập từ Hàn Quốc, Mĩ. Công nghệ nối mi cũng được các nhân viên học hỏi từ Hàn Quốc”.
Kỹ thuật để nối mi giả đòi hỏi người làm nghề phải có trình độ rất cao. Hiện ở Hà Nội không có nhiều thẩm mỹ viện tư nhân thực hiện được điều này.
Lông mi sẽ được làm dài ra bằng cách nối một sợi mi giả từ bên ngoài vào sợi mi thật bằng một loại keo chuyên dụng. Mi sẽ được dính bằng keo dán mi “chuyên dụng” và có độ bền từ 2 – 3 tháng. Nhưng sau 3 tuần, khách hàng phải đến cửa hàng để “chăm sóc” lại hàng mi và dặm lại keo cho chắc, đề phòng trường hợp rơi, rụng phần mi nối.
Tuy nhiên, những loại keo được quảng cáo là hàng ngoại nhập từ Hàn Quốc, Mĩ được bán nhan nhẩn trên thị trường. Tại một cửa hàng thẩm mĩ trên phố Xuân Thuỷ, khi hỏi mua về loại keo dán “chuyên dụng” để nối mi, người bán hàng đưa cho chúng tôi một lo keo dán giá siêu rẻ 50.000 đồng/lọ. Người bán hàng cho biết, các cơ sở cắt tóc gội đầu thường sử dụng loại keo này nhất, “xịn” hơn thì có loại vài trăm nghìn đồng/lọ.
Hầu hết, các sản phẩm keo dán mi đều là hàng nhập khẩu theo đường “xách tay”. Nhưng nhập của nước nào, của hãng mỹ phẩm nào thì từ người bán đến người mua đều… không biết. Trên lọ keo cũng ghi chằng chịt tiếng Anh, tiếng Trung lẫn lộn mà không có tên nhà phân phối sản phẩm cũng như hướng dẫn sử dụng, chỉ định dùng cho đối tượng nào...
Hiện mi giả đang dùng đa phần cũng không có nguồn gốc rõ ràng. Người nối thì quảng cáo mi giả là chất liệu tơ, lụa, lông ngựa giống mi thật đến … 100% nên nhìn rất tự nhiên. Nhưng thực tế, chất liệu những sợi mi giả này cứng như… nhựa tổng hợp.
Hậu quả nhãn tiền…
Việc nối mi chính là dán những sợi mi giả với chất liệu nhựa tổng hợp và lụa vào gốc của sợi mi thật bằng một thứ keo chảy màu đen, che khuất sợi mi thật, tạo cho người đối diện cảm giác về hàng lông mi dài rợp bóng. Do đo, với nguồn gốc xuất xứ “mập mờ”, loại keo này tiềm ẩn nguy cơ viêm mí mắt, làm rụng hàng mi thật.
Chị Thanh Hà (Hàng Đường, Hà Nội) cho biết, sau khi “nối mi tại nhà”, mi dài hơn và mắt cũng rất đẹp nhưng mỗi lần nhắm mắt thấy mi cứng, khó chịu. Vài ngày sau, bờ mi ngứa rồi đỏ ửng lên cả mắt, chị phải dùng nhíp nhổ hết mi giả ra. Sau khi tháo mi nối, hàng lông mi thật cũng mi thật cũng theo mi giả... ra đi. Mắt còn bị xưng tấy đỏ, đến Viện Mắt Trung ương khám thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm bờ mi.
Chị em nên cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ nối mi
“Đúng là đẹp đâu chả thấy, giờ ra đường phải đeo kính kín mít vì lông mi trụi hết, mắt đôi mắt trống hơ trống hoác như... mắt gà. Người nối mi thì chỉ biết số điện thoại chứ không rõ địa chỉ để đến bắt đền”, chị Hà ngậm ngùi.
"Hiện nay trên thị trường chưa kiểm soát được chất lượng các loại mi giả khi thực hiện nối. Mi giả để nối đều không có nguồn gốc rõ ràng. Các thẩm mĩ viện mỗi nơi thực hiện nối mi một kiểu, khó tránh khỏi việc họ dùng mi không đảm bảo chất lượng để giảm giá thành, ăn lời. Nguy cơ nhiễm bệnh về mắt rất cao", 1 chuyên gia đầu ngành về thẩm mĩ viện ở Hà Nội chia sẻ.
Quá trình dán mi, nhiều khách hàng cũng chứng kiến các nhân viên sử dụng một loại keo màu đen có mùi hắc rất khó chịu. Sau đó, dùng nhịp gắn lần lượt những sợi mi nhỏ vào chân mi, mỗi lần gắn mi có cảm giác các sợi mi giả đâm vào da thịt rất đau. Sau công đoạn nối, khách hàng phải nhắm mắt thật chặt đợi mi khô 5 – 10 phút.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc nối mi bằng keo là dịch vụ làm đẹp hết sức nguy hiểm. Do việc nối mi là dùng keo gắn lông mi vào mắt nên rất dễ xảy ra tình trạng dính keo vào giác mạc, nếu lỡ tay dụi vào mắt khi keo chưa khô sẽ khiến keo bị dính vào niêm mạc, nhẹ hơn là gây cay, chảy nước mắt, dị ứng ngứa đỏ mắt, nặng hơn có thể bị viêm mi mắt.
Bên cạnh đó, do việc mi giả được gắn thẳng vào mi thật nên chỉ cần có tác động từ bên ngoài như dụi mắt thì rất dễ rụng cả mi thật cũng như mi giả, khiến nhiều trường hợp rụng toàn bộ lông mi, trông rất phản cảm. Sau khi nối, mi mắt có cảm giác “trũng mắt”, khó chịu khi nhắm mở mắt vì mi thật phải cõng thêm hàng mi nối.
Do đó, các chị em muốn sở hữu một hàng mi đẹp nên tìm đến những cơ sở, thẩm mỹ viện nổi tiếng và uy tín. Không nên tham gia các dịch vụ “nối mi tại nhà” của các cơ sở không tên tuổi. Bởi khi cơn sốt “nối mi” đi qua, hàng mi thật có khi cũng… biến mất.