Rối loạn cương dương - Coi chừng bệnh tim mạch

Rối loạn chức năng cương dương có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề tim mạch ở đàn ông. Mặt khác, nếu bị bệnh tim, việc điều trị đúng có thể hỗ trợ tốt cho tình trạng rối loạn cương dương.

Đàn ông có sự cương cứng dương vật là vấn đề tự nhiên, vì vậy khi khả năng đó bị mất, hoặc trục trặc (rối loạn cương dương), thì đó là dấu hiệu cho thấy sức khỏe có điều bất ổn. Nam giới có thể thấy khó khăn hoặc không thể đạt được cương cứng khi các dây thần kinh bị tổn thương do phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt cấp tính hoặc tổn thương tủy sống. Sự lo lắng hay những căng thẳng tinh thần trong công việc, cuộc sống, thậm chí là lo lắng cho cuộc yêu... có thể gây ra rối loạn cương dương ở thanh niên. Nhưng khi một người đàn ông từ độ tuổi 40 trở lên bắt đầu gặp khó khăn trong việc đạt được cương cứng, nguyên nhân cơ bản thường là do bệnh tim mạch hoặc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, sự thay đổi lối sống nhất định có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và cũng có thể phục hồi hiệu quả chứng rối loạn cương dương. Những điều chỉnh và can thiệp càng sớm được thực hiện, khả năng phục hồi tình dục bình thường có cơ hội cao hơn.

Vì sao rối loạn chức năng cương dương liên quan tới các vấn đề tim mạch?

Trải qua thời gian dài, sự tích tụ các mảng bám xơ vữa trong lòng động mạch được cho là lý do tại sao rối loạn chức năng cương dương thường đi trước các vấn đề về tim. Chính do sự tích tụ mảng bám xơ vữa động mạch làm giảm lưu lượng máu đến các mạch máu dương vật, làm cho việc cương cứng trở nên khó khăn. Các nghiên cứu vi mô gần đây cho thấy, rối loạn cương dương có trước các vấn đề về tim thường là do rối loạn chức năng của lớp niêm mạc lót bên trong của các thành và cơ trơn mạch máu. Rối loạn chức năng nội mô làm giảm lưu lượng máu đến dương vật, đồng thời làm tăng phát triển của xơ vữa động mạch.

Tuy nhiên, rối loạn cương dương không phải lúc nào cũng chỉ ra một vấn đề bất thường về tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy, có những người đàn ông bị rối loạn cương dương không có nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như chấn thương. Và vì thế, những người không có triệu chứng của bệnh tim mạch nên được sàng lọc trước khi bắt đầu điều trị.

Rối loạn cương dương - Coi chừng bệnh tim mạch - 1

Sự tích tụ mảng bám xơ vữa động mạch làm giảm lưu lượng máu đến các mạch máu dương vật, làm cho việc cương cứng trở nên khó khăn.

Các yếu tố nguy cơ

Bên cạnh xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính, rối loạn cương dương và bệnh tim cũng có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm:

Bệnh đái tháo đường: Những người đàn ông có bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương và bệnh tim.

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mạch máu và có thể gây rối loạn cương dương.

Lạm dụng rượu: Uống quá nhiều rượu có thể gây ra bệnh tim và có thể đóng góp vào các nguyên nhân khác của bệnh tim, chẳng hạn như tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao. Rượu cũng làm giảm khả năng cương cứng.

Tăng huyết áp: Theo thời gian, tăng huyết áp làm tổn thương niêm mạc động mạch và tăng tốc quá trình hình thành các bệnh mạch máu. Một số loại thuốc tăng huyết áp, như thuốc lợi tiểu thiazide, cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng cương dương.

Cholesterol cao: Nồng độ LDL, còn gọi làcholesterol “xấu” cao có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.

Tuổi tác: Khi con người ta già đi, có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt được sự cương cứng theo mong muốn và có thể có tình trạng cương cứng không bền vững ổn định. Nghiên cứu cho thấy, tuổi càng trẻ, nếu đã có rối loạn cương dương thì càng có nguy cơ mắc bệnh tim - Đàn ông dưới 50 tuổi có nguy cơ cao đặc biệt. Ở nam giới lớn hơn 70 tuổi, rối loạn cương dương ít có khả năng là dấu hiệu của bệnh tim.

Béo phì: Trọng lượng dư thừa thường làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh tim.

Testosterone thấp: Đàn ông có testosterone thấp có tỷ lệ rối loạn cương dương và bệnh tim mạch cao hơn so với nam giới có mức testosterone bình thường.

Các lựa chọn điều trị

Nếu có nguy cơ mắc bệnh tim, đầu tiên hãy cân nhắc việc thay đổi lối sống. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng và đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, ngừng hút thuốc và hạn chế uống rượu.

Tuy nhiên, các xét nghiệm hoặc điều trị thêm có thể cần thiết nếu người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim nghiêm trọng hơn.Nếu đồng thời có cả rối loạn cương dương và bệnh tim, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị hợp lý. Chẳng hạn, nếu đang dùng thuốc điều trị  tim mạch nào đó, đặc biệt là nitrat sẽ không an toàn khi sử dụng với các thuốc điều trị rối loạn cương dương.

Sử dụng thuốc: Lựa chọn điều trị đầu tiên cho rối loạn cương dương thường là một trong những chất ức chế phosphodiesterase type 5 (PDE5): sildenafil (được bán dưới tên viagra), tadalafil (được bán dưới tên thương hiệu cialis) hoặc vardenafil (được bán dưới tên thương hiệu levitra). 2/3 đến 3/4 đàn ông sẽ có thể đạt được cương cứng với những loại thuốc này. Thuốc sẽ không hoạt động nếu lưu lượng máu đến dương vật kém hoặc các dây thần kinh chi phối cương cứng đã bị hư hại.

Rối loạn cương dương tăng gấp đôi nguy cơ đau tim

Những người đàn ông mắc chứng rối loạn cương dương có nguy cơ bị đau tim hay đột quỵ cao gấp 2 lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Thanh Hoài ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN