Rét đậm, số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh
Miền Bắc đang trải qua những ngày thời tiết khắc nghiệt khiến số bệnh nhân đột qụy, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính… tăng mạnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Thần kinh, cho biết mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người già và người trẻ. Các bệnh nhân đều đến viện trong tình trạng mặt méo, miệng méo, không khép kín được mí mắt. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này hầu hết do sự chủ quan của người bệnh, đặc biệt là người trẻ.
Có đến 70-80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh. Bác sĩ Phúc cảnh báo, nhiều người trẻ vừa tắm xong đã ra ngay khu vực không kín gió rất dễ bị nhiễm lạnh đột ngột. Một số bệnh nhân chủ quan, giữ thói quen đi tập thể dục buổi sáng nhưng ăn mặc phong phanh rồi bị nhiễm lạnh… cũng dẫn đến liệt dây thần kinh số 7. “Thời tiết như hiện nay, khi ra đường, người dân nên mặc ấm và không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Khi tắm xong phải lau khô người và mặc ngay quần áo ấm”, bác sĩ Phúc nói.
Bệnh viện trang bị đèn sưởi giữ ấm cho bệnh nhân khi trời rét đậm
Bệnh viện Châm cứu Trung ương trong những ngày nhiệt độ hạ thấp tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 10 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), thông tin, nguyên nhân các ca bệnh này đều do mở cửa đi ra ngoài buổi sáng sớm khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những ngày trời rét đậm, nhiệt độ giảm sâu, bệnh nhân vào cấp cứu tăng cao, chủ yếu là ở nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền. Khá nhiều người trẻ cũng bị đột quỵ. Bác sĩ, ThS. Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, khi thời tiết rét đậm, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do phổi tắc nghẽn mạn tính tăng đột biến. Trung bình, Trung tâm cấp cứu A9 tiếp nhận 20 - 30 ca/ngày, trong đó 10% phải thở máy. Số ca bệnh liên quan tới đột qụy, huyết áp, hô hấp tăng lên đáng kể.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… cũng gia tăng. Bác sĩ Hoàng Văn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim, cho hay, những ngày trời lạnh, cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Bác sĩ Văn cho biết: “Điều này làm tăng khả năng nhồi máu cơ tim ở những người vốn có sẵn yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá…
Thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ tim tăng thêm 7% khi nhiệt độ giảm đi 10 độ C. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm đối tượng khác”. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) thông tin, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lí tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước. Các nghiên cứu cho thấy, trời lạnh có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người lớn tuổi. Trung bình, tỉ lệ tử vong hoặc nhập viện do suy tim tăng 0,7% khi nhiệt độ giảm 1 độ C.
Bộ Y tế khuyến cáo
Bộ Y tế khuyến cáo người già và trẻ em hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng. Nếu phải ra ngoài trời thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa. Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein và không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
Cần ăn, uống đủ chất để đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Trời lạnh làm mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não kém.
Nguồn: [Link nguồn]