Rét đậm, rét hại, bệnh nhân đột quỵ và tim mạch tăng

Sự kiện: Đột quỵ

Miền Bắc đang trải qua chuỗi ngày rét đậm, rét hại khiến số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một tuần nay, thời tiết rét đậm, rét hại, các bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng ít nhất 10-15%.

Tại Trung tâm Thần kinh, mỗi ngày thường tiếp nhận 30-50 bệnh nhân, song 1 tuần trở lại đây lên tới 60-70 ca mỗi ngày. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh...

Bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại bệnh viện. 

Bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại bệnh viện. 

Theo TS.BS Võ Hồng Khôi, thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi mà cả người trẻ. Đặc biệt, bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện quá tải.

Trong khi đó, Bệnh viện E cũng ghi nhận lượng bệnh nhân đột qụy do trời lạnh. Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Đặc biệt, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người chủ quan, trong khi đó bệnh lý tim mạch lại "tấn công" người già.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…

Trong khoảng thời gian vàng 3-4 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Trong khi đó, điều trị muộn, không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột nói khó, liệt ½ người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia y tế lý giải, nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa lạnh, nhiều người trở nên lười vận động, lười tập thể thao hơn. Và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một lời giải thích nữa là trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều.

Vì vậy, để phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh, người dân, đặc biệt là người cao tuổi thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức liên hệ với ​​bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc cho người bệnh. Khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …

Người dân, đặc biệt là người cao tuổi tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều. Tránh căng thẳng, stress quá mức. Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Nguồn: [Link nguồn]

Người đàn ông bất ngờ bị đột quỵ trên đường đi công tác

Đó là trường hợp người bệnh Đ.N.V (61 tuổi, quê ở Ninh Bình) bất ngờ bị đột quỵ trên đường đi công tác từ Ninh Bình đến Hà Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN