Rau mầm có lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, chúng ta rất nên ăn nhưng có người lại tuyệt đối không nên

Sự kiện: Sống khỏe

Nghỉ dịch ở nhà có thời gian nên nhiều người tự trồng rau mầm ăn. Chỉ 5-7 ngày trồng là có lứa rau mầm sạch. Nhưng trồng và ăn thế nào để rau mầm sạch thực sự ngon, bổ? Những ai nên và không nên ăn rau mầm?

Rau mầm sạch giàu dinh dưỡng

Rau mầm trồng từ hạt giống các loại rau, cây thân thảo, thảo mộc, tùy loài mà sau 5-7-21 ngày nảy mầm là có thể thu hái. Chỉ cần 30 – 40g hạt giống có thể thu 500g rau mầm. Nếu mua tại vườn khoảng 40.000 - 60.000 đ/kg.

Cái lợi thấy rõ là trồng rau mầm sạch tạo khoảng thư giãn cho cả nhà ở góc sân thượng, hoặc ban công, bệ cửa sổ, hàng hiên trước nhà… 

Cách trồng rau mầm thì dễ, giá trị dinh dưỡng cao gấp 5-20 lần rau lớn, ăn 200g rau mầm bằng 1kg rau lớn. Trong rau mầm có nhiều vitamin B, C, E, các amino acid, chất xơ hàm lượng cao rất cần cho cơ thể nâng cao sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, mịn và sáng da... 

Chất xơ trong rau mầm cao giúp dễ tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hoá các chất phức tạp. Nhưng quan trọng là chọn hạt giống thích hợp để trồng, ăn rau mầm ngon và an toàn.

Rau mầm chế biến các món salad, trộn dầu dấm, làm gỏi, để lên mặt bánh pizza, bánh xèo... rất ngon và đẹp mắt, giữ được vitamin có trong rau mầm. Theo nghiên cứu của Th.s Sinh học Ngô Trần Vũ (Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp Công nghệ cao), 1 người lớn cân nặng trung bình ăn khoảng 41g rau mầm bắp cải đỏ hàng ngày là đủ lượng Vitamin C, hoặc 15 g rau mầm củ cải xanh sẽ đáp ứng lượng Vitamin E và chỉ cần 17g rau mầm dền sẽ đủ để đáp ứng lượng Vitamin K.

Rau mầm nhiều dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

Rau mầm nhiều dinh dưỡng. Ảnh minh họa.

Không ăn quá nhiều rau mầm trong một ngày

Rau mầm mọc được 2-3 lá mầm là thu hái được. Ở Mỹ rau mầm chỉ được bán khi có 3 lá mầm (2 lá nhỏ hai bên và một lá ở giữa), bởi theo các nghiên cứu khoa học thì giá trị dinh dưỡng của rau mầm đạt đỉnh khi ở giai đoạn 3 lá mầm, giúp giải phóng hết enzim không có lợi cho những người bụng yếu.

Rau mầm không nên ăn quá nhiều, một người bình thường chỉ cần ăn lượng rau mầm nhỏ bằng 1/10 - 2/10 rau trưởng thành. Ví dụ ăn 500g rau lớn mỗi ngày thì chỉ nên ăn 50g rau mầm mỗi ngày. Nhưng cũng không nên ăn rau mầm thay thế hoàn toàn rau lớn, mà nên ăn xen nhau.

Vì rau mầm được trồng trong môi trường nóng ẩm khiến các loại vi khuẩn, vi sinh vật có cơ hội phát sinh phát triển rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy dù mua hay thu hái rau mầm tại nhà thì rau mầm vẫn có vi khuẩn, do đó không nên ăn sống mà phải rửa thật sạch, kỹ trước khi chế biến món ăn. Nên ăn rau mầm chín vì các hóa chất (nếu có) trong rau mầm có thể sẽ bị tiêu hủy hoặc giảm đi nhiều khi nấu chín.

Rau mầm ngon, bổ nhưng không nên ăn quá nhiều. Ảnh minh họa.

Rau mầm ngon, bổ nhưng không nên ăn quá nhiều. Ảnh minh họa.

Ai nên và không nên ăn rau mầm?

Theo bác sĩ Thúy Hường (Nhà thuốc Đông y gia truyền Thọ Xuân Đường, hầu hết mọi người đều có thể sử dụng rau mầm, nhưng chế biến hợp lý sẽ an toàn cho sức khỏe. Để hạn chế một số nguy cơ độc hại từ rau mầm thì cần chú ý:

- Tự trồng, chế biến rau mầm sẽ loại trừ được nhiều nguy cơ (như phân bón, chất kích thích tăng trưởng…).

- Khi thu hái rau mầm thì cắt cây con ngay sát trên mặt giá thể khi đó cây có chiều cao 3 – 9 cm. Phần ăn được cấu thành bởi thân đơn có lá mầm và lá thật.

- Mua rau mầm ở các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Không mua rau mầm có đặc điểm bất thường như màu sắc lạ, thân lá ngả vàng, lá rau to xanh bất thường hoặc quá bóng mượt…

- Rau hái xong, hoặc mua về cần ăn càng sớm càng tốt (trong 24 giờ), tối đa chỉ để 3-4 ngày trong ngăn mát tủ lạnh (nhưng phải để trong túi đựng rau, hộp nhựa).

- Rửa rau kỹ dưới vòi nước chảy nhiều lần để loại bỏ các nguy cơ, rồi ngâm nước muối loãng 10-15 phút để loại bỏ hóa chất. Rau mầm thân mỏng manh nên phải nhẹ tay rửa để tránh bị dập, chế biến sẽ mất ngon. Lượng muối hòa vào nước khoảng 1 thìa cà phê muối pha với 3 lít nước.

- Người lớn có thể ăn rau mầm sống, nhưng trẻ em, người già, phụ nữ mang thai thì cần nấu chín hãy ăn. 

Rau mầm ăn càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa.

Rau mầm ăn càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa.

Chọn và xử lý hạt rau mầm

Rau mầm chủ yếu có 2 loại là rau mầm trắng và rau mầm xanh. Rau mầm trắng được tạo thành khi hạt phát triển trong điều kiện không có ánh sáng nên có thân trắng, lá mầm nhỏ màu hơi vàng (phổ biến là giá đỗ xanh, giá đậu tương…). Ngược lại, rau mầm xanh được tạo thành khi hạt phát triển trong điều kiện tự nhiên.

Nên ăn rau mầm chín. Ảnh minh họa.

Nên ăn rau mầm chín. Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm), một số loại hạt khi mọc mầm sẽ gây nguy hại sức khỏe như mầm khoai tây, mầm dưa leo, mầm đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, măng… vì vậy không nên dùng làm rau mầm.

Các giống rau mầm được chọn trồng là cải bẹ, cải xanh, cải ngọt, cải thìa, củ cải trắng/đỏ, súp lơ, cải xoong, rau mầm họ đỗ (đậu xanh, đen, đậu đỏ, đậu nành…), rau muống, lạc, vừng, cỏ linh lăng, rau dền… lá nhỏ, dễ trồng, giàu dinh dưỡng. 

Người mới trồng nên mua các loại hạt giống to như giá đỗ, đậu đỏ… để cây dễ mọc. Khi trồng quen rồi thì có thể chuyển sang hạt nhỏ như cải ngọt, lơ xanh… Có rất nhiều loại hạt có thể trồng rau mầm tại nhà bằng những tờ giấy ăn mà không cần đất trồng, ít tốn công chăm sóc.

Chọn giống tốt sẽ quyết định chất lượng rau mầm, hạn chế tình trạng sâu bệnh cho rau. Nên mua hạt giống ở địa chỉ tin cậy, nói rõ là mua hạt giống làm rau mầm để người bán đưa đúng loại. Chú ý xem trên bao bì nếu ghi: "Có chất bảo quản, không được ăn" – thì không nên mua về trồng rau mầm. 

Nguồn: [Link nguồn]

Rủi ro ít ngờ tới từ rau mầm trồng tại nhà khiến rau lành thành độc

Rau mầm giàu dinh dưỡng, chất xơ cần thiết cho cơ thể, gieo hạt sau 3-5 ngày là ăn được, nên nhiều nhà trồng để có rau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hà ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN