Rầm rộ trào lưu “đau một lần nhưng được cả hai” lúc sinh mổ
Thời gian gần đây, nhiều chị em mách bảo nhau phương pháp mổ đẻ và cắt, bóc mỡ bụng “2 trong 1”.
Theo chia sẻ, các sản phụ sẽ được phẫu thuật thẩm mĩ ngay trong khi mổ bắt thai, vừa sinh em bé vừa làm đẹp cùng lúc. Sau đó mất một khoảng thời gian để chịu đựng 2 cơn đau (đau co dạ con và đau vết mổ, đau vết bóc mỡ), khi vết thương lành thì chỉ cần ngăn ngừa sẹo lồi là sẽ có ngay vòng eo thon. Như vậy, thà chị em đau một lần nhưng được cả hai.
Trao đổi với PV về phương pháp này, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, bản thân ông cũng nhận được nhiều lời đề nghị của sản phụ đề nghị thực hiện kết hợp khi bác sĩ mổ bắt con. Tuy nhiên, điều này không được khuyến khích vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội) cảnh báo, vừa mổ sinh, vừa bóc mỡ bụng sẽ có nhiều nguy cơ rủi ro cho sức khỏe.
“Đây là điều không nên bởi nếu vừa mổ sinh, vừa bóc mỡ bụng sẽ có nhiều nguy cơ rủi ro cho sức khỏe, nhất là với sản phụ. Hơn nữa, việc chị em bóc mỡ bụng trong khi sinh sẽ không có tác dụng bởi chỉ sau một thời gian, lượng mỡ lại trở lại ban đầu”, BS Khải chia sẻ.
Trưởng khoa Đẻ A2, BV Phụ sản Hà Nội phân tích, việc phát triển, chuyển hóa các chất trong cơ thể đều do gen chỉ huy quy định. Chẳng hạn: Ngón tay chỉ dài đến độ nhất định rồi dừng lại chứ không dài thêm nữa. Tương tự, việc chuyển hóa các chất trong cơ thể cũng vậy. Với phụ nữ, khi mang thai sẽ tăng cân và tăng mỡ vùng bụng. Tuy nhiên, cũng chỉ tăng đến độ nhất định chứ không tăng lên mãi. Nhiều chị em muốn đẹp nhanh, đã yêu cầu bóc mỡ bụng trong lúc sinh. Việc này không có tác dụng bởi sau khi bóc thì gen chỉ huy tiếp tục tác động và chỉ sau một thời gian, lượng mỡ lại trở lại như ban đầu.
“Tôi đã gặp một số trường hợp đi bóc mỡ khi sinh. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, mỡ bụng lại trở lại như ban đầu. Trong khi đó, vết sẹo để lại rất xấu”, bác sĩ Khải cảnh báo.
Ngoài ra, không phải mọi trường hợp đều có thể áp dụng vừa mổ sinh, vừa căng da bụng được, nhất là những trường hợp thai nhi quá to. Khi đó, nếu kết hợp hai phẫu thuật luôn một lần thì có thể nói là quá nặng nề cho thai phụ vì cuộc mổ sẽ kéo dài từ 40 phút cho trường hợp mổ sinh đơn thuần thành 120-180 phút cho trường hợp mổ kết hợp. Đặc biệt các nguy cơ cao của việc thuyên tắc mạch máu do nằm lâu, mất máu nhiều do các mạch máu tăng sinh trong thai kỳ.
Bác sĩ Đồng Thu Trang, Khoa Đẻ A2 (BV Phụ Sản Hà Nội) cũng cảnh báo, bóc mỡ trong khi mổ sinh sẽ rất nguy hiểm bởi đây là lúc sản phụ yếu nhất.
Khi thực hiện hai cuộc phẫu thuật như vậy, sản phụ ngoài việc đối mặt với các nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm khuẩn, băng huyết, tắc mạch huyết khối, cơ thể phải đối mặt thêm với các nguy cơ việc bóc mỡ bụng như chảy máu, thuyên tắc mạch, nhiễm trùng...
Hơn nữa, khi mổ đẻ để lấy em bé ra ngoài sẽ có một ít lượng nước ối vào ổ bụng, nếu sản phụ có tình trạng ối vỡ non hay vỡ sớm trước đó thì nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và những vùng lấy mỡ sẽ rất cao do nhiễm nước ối và các loại dịch trong ca mổ đẻ.
Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe chị em không nên vừa mổ sinh, vừa bóc mỡ bụng. Muốn giảm mỡ sau sinh, chị em chỉ có cách là tập luyện thể thao kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp.
Với 30 năm kinh nghiệm trong nghề, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ông rất đau xót dù chỉ 1 trường hợp tử vong mổ lấy...