Rắc rối "đèn đỏ" dẫn đến vô sinh

Sự kiện: Bệnh vô sinh

Kinh nguyệt là dấu hiệu rõ nét nhất minh chứng cho khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ gặp rắc rối về kinh nguyệt, từ đó có thể dẫn đến vô sinh.

Vô sinh vì kinh nguyệt không đều

Ngay từ khi mới dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt của chị Thu Hường ở Vĩnh Phúc đã không ổn định, thậm chí 6 tháng mới có 1 lần. Trong khi các bạn gái khác khổ sở vì “thấy tháng" với đủ các triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, đau lưng thì Hường lại cảm thấy mình "may mắn" vì ít khi có kinh.

Kéo dài nhiều năm như thế nhưng chị vẫn nghĩ đơn giản chỉ cần có là được, chu kỳ kinh có kéo dài cũng không vấn đề gì. Chị không hề biết rằng đó là dấu hiệu bất thường của cơ thể, cảnh báo nhiều nguy cơ.

Cho đến khi lấy chồng chị cũng không thấy sốt ruột gì mà vẫn cho rằng điều đó bình thường, còn chuyện con cái là “lộc trời cho”, muốn vội cũng không được. Những đã hơn 3 năm sau khi cưới mà vợ chồng chị vẫn chưa có em bé và lúc này chị mới thấy lo lắng.

Đi khám phụ khoa bác sĩ cho biết, chị không bị viêm nhiễm gì, vòi trứng và noãn trứng bình thường. Thủ phạm dẫn đến khả năng sinh sản của chị bị hạn chế, khó có con chính là do chu kỳ kinh nguyệt thất thường.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, ngày nay rất nhiều chị em không biết rằng rối loạn kinh nguyệt trong đó có chu kỳ kinh nguyệt không đều ảnh hưởng đến khả năng có con, thậm chí còn có tư tưởng chủ quan về chu kỳ kinh nguyệt.

Trong khi thực tế, đó là biểu hiện của bệnh lý kinh nguyệt thất thường mà càng điều trị muộn càng khó có con. Theo số liệu nghiên cứu điều tra tại Việt Nam, phụ nữ có vòng kinh không đều có tỷ lệ vô sinh cao gấp 1,2-1,3 lần.

Rong kinh cũng khó có con

Nếu như kinh nguyệt thất thường dễ dẫn đến vô sinh thì bệnh rong kinh cũng khiến chị em khó thụ thai.

Suốt 15 năm nay, chị Hồng Ngân ở Thanh Xuân, Hà Nội sống cùng với bệnh rong kinh. Mỗi lần "đèn đỏ" là chị lại phát hoảng vì kỳ kinh kéo dài 10- 15 ngày, ngừng được vài ngày lại tiếp tục ra. Triền miên trong trạng thái có kinh như vậy, chị Ngân gần như phải đóng băng vệ sinh suốt cả tháng.

Mặc dù đã đi khám và điều trị rong kinh ở rất nhiều nơi nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan, chu kỳ kinh đều được một thời gian rồi lại rong như cũ. Nhiều khi quan hệ vợ chồng bị đứt đoạn, mọi sinh hoạt và chuyện con cái đều bị ảnh hưởng.

Đi tư vấn hiếm muộn, bác sĩ cho biết đó là nguyên nhân khiến chị lấy chồng gần 4 năm chị vẫn chưa có con càng khiến chị khổ tâm.

Bác sĩ Dung chẩn đoán, tình trạng khó có con ở chị Ngân có thể là do biến chứng của bệnh lý rong kinh. Mặc dù bản thân rong kinh không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng nếu rong kinh kéo dài không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến hậu quả khó thụ thai.

Rong kinh ở phụ nữ là hiện tượng có kinh kéo dài trên 07 ngày. Có nhiều nguyên nhân gây rong kinh, tùy theo lứa tuổi. Rong kinh do rối loạn sinh lý không có gì nguy hiểm. Nhưng rong kinh là bệnh lý lại gây những biến chứng nguy hiểm.

Nếu để rong kinh kéo dài mới đi khám thì kết quả điều trị rất thấp, dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần, trong tương lai hay bị vô sinh. Bệnh nhân bị rong kinh hơn chục năm kéo dài và không có con.

Rắc rối "đèn đỏ" dẫn đến vô sinh - 1

Kinh nguyệt có màu đen sẫm, vón cục cũng tiềm ẩn nguy cơ vô sinh

Đến tuổi dậy thì chị Oanh ở Hưng Yên vẫn có chu kỳ kinh nguyệt như những bạn gái khác. Hơn 10 năm kinh nguyệt của chị vẫn bình thường nhưng gần hai năm nay, kể từ ngày lấy chồng chị phát hiện thấy kinh nguyệt có dấu hiệu lạ. Máu kinh không loãng như trước thay vào đó là những cục máu đông, màu đen và ra rất nhiều.

Chị cũng không hiểu vì lý do gì mà từ khi kết hôn đến nay vẫn chưa có con dù không sử dụng biện pháp kế hoạch nào.

Bác sĩ Dung cho rằng, hiện tượng máu đen vón cục trong kỳ kinh như chị Oanh cũng có thể là do chị mắc một bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục làm giảm khả năng thụ thai.

Thông thường, máu kinh loãng, những chị em thấy có cục máu đông xuất hiện là do chúng chưa kịp tan trước khi đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp máu đen, vón cục là do bệnh lý, ví dụ như lạc nội mạc tử cung.

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến chậm có con không chỉ do tắc vòi trứng, các bệnh viêm nhiễm,… mà dấu hiệu rối loạn chu kỳ kinh nguyệt cũng gây hiếm muộn, vô sinh ở phụ nữ.

Bác sĩ Dung khuyến cáo, chị em không nên chủ quan với những bất thường của kinh nguyệt. Nên theo dõi chính xác chu kỳ kinh nguyệt của mình nếu thấy có bất thường thì nên khám sớm, nếu để lâu càng khó có khả năng thụ thai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tri thức trẻ
Bệnh vô sinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN