Quy trình trao con sau khi sinh ở bệnh viện diễn ra thế nào?

Để tránh nhầm lẫn trong việc trao con cho cha mẹ sau khi sinh, các bệnh viện phải có quy trình rất chặt chẽ.

Câu chuyện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con cho gia đình là anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, trú ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) và chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, trú ở xã Phú Sơn, cùng huyện Ba Vì) vào ngày 1/11/2012 đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Sự việc này đã khiến nhiều gia đình mới sinh con khá lo ngại và thắc mắc quy trình trao trẻ ở các bệnh viện đang diễn ra như thế nào để không xảy ra sự nhầm lẫn đáng tiếc như ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì 6 năm về trước.

Quy trình trao con sau khi sinh ở bệnh viện diễn ra thế nào? - 1

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, nơi diễn ra sự việc trao nhầm con.

Trao đổi với PV, PGS.TS.Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tại đây, vấn đề an toàn trẻ sơ sinh được đưa lên hàng đầu. Quy trình đón trẻ cực kỳ chặt chẽ trong mọi khâu với sự tham gia của các bà mẹ để tránh sai sót.

Từ nhiều năm trước, bệnh viện đã sử dụng hình thức vòng định danh có đánh mã số, mã vạch của bà mẹ và em bé. Ngay sau khi em bé sinh ra, vòng định danh này sẽ được tách ra, dưới sự chứng kiến của bà mẹ. Sau khi xác minh tên tuổi, mã số thì chiếc vòng sẽ được đeo vào cổ tay mẹ và chân của bé. 

Loại dây này rất khó cắt hoặc tháo và nó sẽ được theo mẹ và bé suốt thời gian nằm viện. Khi em bé được ra viện sẽ phải dùng kéo cắt rời vòng để bỏ đi. Bệnh viện cũng quy định, vòng màu xanh dành cho bé trai và vòng màu hồng cho bé gái. Như vậy, việc nhầm lẫn rất khó xảy ra.

Bên cạnh đó, ngoài tên dự định và số thứ tự của bé được ghi không lặp lại theo thứ tự trẻ sinh trong năm của bệnh viện, còn có tên của mẹ. Trước khi lồng dây, mẹ sẽ được hỏi để khẳng định tên mẹ, tên bé đều chuẩn xác.

BS Nguyễn Thị Lan, Trưởng khoa Sản, BV Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: Nhầm lẫn không may xảy ra gây hậu quả khôn lường cho cuộc đời đứa trẻ, nên mọi người phải hết sức cẩn thận. Nếu để xảy ra nhầm lẫn, y tá chắc chắn sẽ day dứt lương tâm.

Theo BS Lan, trao trả trẻ sơ sinh vẫn được từng bệnh viện xây dựng quy trình chuẩn, tùy theo điều kiện, phòng khoa, chứ không thể thống nhất một quy trình từ tuyến trung ương tới địa phương. Tất cả chỉ chung đích cuối cùng là đưa con về với mẹ.

Tại BV Hà Đông, ngay khi trẻ đẻ xong, vòng tay mẹ con tách làm đôi đeo luôn cho mẹ và con thực hiện da kề da ngay từ khi trên bàn đẻ. Nếu người mẹ có vấn đề hoặc hôn mê mới trao con cho người nhà ruột thịt đã được sản phụ xác nhận trước đó.

Trả lời về việc có nên có một quy trình thống nhất chung cho các bệnh viện để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh, đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho biết, mỗi bệnh viện có một điều kiện khác nhau, không thể áp quy trình của tuyến trung ương cho bệnh viện tuyến huyện.

Do đó, tại mỗi bệnh viện, giám đốc bệnh viện phải ban hành một quy trình riêng tùy điều kiện của mình, còn Bộ Y tế sẽ có các hướng dẫn chuyên môn chung như: Sinh đẻ thì quy trình thế nào, bé sinh xong thì vệ sinh cho bé và làm rốn như thế nào.

Để tránh bị trao nhầm con tại bệnh viện, bố mẹ nhất định phải nhớ những điều này

BS.Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội chia sẻ những cách để bố mẹ không bao giờ bị trao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Vụ trao nhầm con suốt 6 năm ở Ba Vì Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN