Quá tải bệnh viện là lỗi của bệnh nhân?

Dễ đến chục năm nay, từ giới y, bác sỹ đến nhân dân đã quá quen với cụm từ: Quá tải bệnh viện. Và để cho tiện, dễ nhất là tình trạng quá tải này được đổ do lỗi bệnh nhân vượt tuyến.

Có phải bệnh nhân sính tuyến trên?

Tại các bệnh viện công lập lớn nằm trên địa bàn Hà Nội, nhiều người có một nhận xét mà tôi thấy… rất thú vị là: Chỉ có ở đây  còn giữ được không khí thời bao cấp.

Theo thống kê, hiện tại số giường bệnh theo quy định của chúng ta rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Số lượng cán bộ y tế của ta dao động từ 0,57 – 1,09 người/giường bệnh. Trong khi đó, mức quy định tối thiểu này phải đáp ứng từ 1,45 – 1,55 người/giường bệnh. Cũng theo khảo sát gần đây của một cơ quan thuộc Bộ Y tế, sau khi đã khảo sát tại một số bệnh viện lớn thuộc khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì các bệnh viện đều hoạt động trong tình trạng vượt công suất thiết kế từ 165% - 200%.

Quá tải bệnh viện là lỗi của bệnh nhân? - 1

Bệnh nhân phải nằm tại hành lang bệnh viện

Quá tải của các bệnh viện trung ương tập trung ở cả khu vực điều trị nội trú lẫn ngoại trú. Trong khi tại các tuyến y tế địa phương, qua khảo sát, có 1/2 số lượng bệnh nhân có thể điều trị được ngay tại các tuyến huyện, 1/3 có thể điều trị tại tuyến tỉnh nhưng họ vẫn cứ tìm lên trung ương. Theo số liệu điều tra gần đây do một cơ quan của ngành y tế đưa ra: 60% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại một số bệnh viện lớn ở Trung ương đều không có giấy giới thiệu (nghĩa là vượt tuyến – NV).

Lý do để "giải mã” cho sự cố tình vượt tuyến này cũng được lý giải: 80% bệnh nhân lựa chọn sự vượt tuyến là do tin tưởng vào trình độ, chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất tuyến trên bao giờ cũng tốt hơn tuyến dưới. Và trên rất nhiều diễn đàn, các quan chức ngành y tế đổ tình trạng quá tải của các bệnh viện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là do lỗi bệnh nhân sính vượt tuyến. Sự thực không hoàn toàn như vậy?

Không thể đổ lỗi cho bệnh nhân

Đúng là có tâm lý "sính” bệnh viện tuyến trên. Anh con ông bác họ tôi, một công chức thường thường bậc trung ở tỉnh đột nhiên ngoắc điện thoại nhờ tôi liên hệ cho một bác sĩ sản tại bệnh viện ở Hà Nội. Lên tiếng khuyên can, "tư vấn” cho anh rằng đỡ đẻ (thậm chí nếu cần thì mổ đẻ) là chuyện các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh làm việc này khá tốt rồi. Sau một hồi "vòng vo Tam Quốc” cuối cùng anh cũng đành nói thật: Trên này mấy thằng quèn hơn anh còn "dám” đưa vợ ra Hà Nội để sinh được nữa là anh…

Chuyện sính bệnh viện tuyến trên để cho oai và sang trọng, như ông anh tôi đúng là có. Nhưng còn lại, với phần đông bệnh nhân nghèo, bệnh nặng và sự bất lực, yếu kém của bệnh viện tuyến cơ sở mới là nguyên nhân khiến họ đành phải "lên trung ương”.

Ông Loan đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, khi được hỏi vì sao không chữa bệnh ở bệnh viện đa khoa tỉnh, khăn gói quả mướp ra Hà Nội làm gì đã nói như mếu: Khổ, có muốn ăn chực nằm chờ khổ sở tốn kém làm gì. Bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh chữa mãi mà bệnh tình không thuyên giảm mới phải ra đây.

Độc giả hẳn cũng còn nhớ chuyện vợ chồng anh tá điền hiếm muộn con quê Hải Hậu, Nam Định cãi nhau ở Bệnh viện sản Trung ương chúng tôi kể trong số báo trước, thì bảo: Vợ chồng em cũng tìm hết ông lang nọ, bà lang kia mà không được. Nay chỉ còn cách dắt díu nhau lên đây.

Rất nhiều bệnh nhân chúng tôi đã gặp, khi nghe bảo sao không chữa ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh mà về Hà Nội làm gì cho khổ sở, chật chội, tốn kém, đã mếu máo bảo họ đâu muốn thế. Nếu không vì bất khả kháng thì tội gì mà họ bán trâu, bán bò, bán lợn dắt díu nhau về Thủ đô. Ngành y tế hô hào các bệnh viện phân tuyến nhưng sự thực là trình độ chuyên môn của tuyến y tế cơ sở hiện nay quá yếu kém, hoặc không phát hiện ra bệnh, hoặc chữa lợn lành thành lợn què. Những chuyện như cắt nhầm thận, nhầm gan, nhầm bàng quang…vẫn đang xảy ra như cơm bữa. Chỉ đơn giản như bệnh vàng da trẻ em, đây là căn bệnh rất thông thường, dễ chữa. Thế nhưng vì rất nhiều bệnh viện tuyến huyện không có đèn chiếu điều trị cho trẻ vàng da hầu như bệnh nhân đều phải lên ít nhất là tuyến tỉnh. 

Hoặc điển hình nhất là với các ca tai nạn giao thông nặng như sọ não chẳng hạn (ngày nào chả có vài chục tai nạn giao thông) thì bệnh viện tuyến cơ sở bó tay, bệnh nhân phải chuyển về Bệnh viện Việt Đức là tất yếu.

Đã có những giải pháp đang được nhiều bệnh việc áp dụng để giảm bớt quá tải như Bệnh viện Việt Đức đào tạo để 6  bệnh viện đa khoa cấp tỉnh như: Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Sơn Tây và Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp (Hải Phòng) có thể trở thành bệnh viện "vệ tinh”. Các bệnh viện "vệ tinh” này đều được chuyển giao trang thiết bị, đào tạo trình độ y bác sĩ. Hay Viện E Hà Nội cũng đã đưa cán bộ y tế của mình đến các tỉnh như Thanh Hóa, Ninh Bình và Sơn La để giúp hỗ trợ nâng cao chất lượng các tuyến y tế cơ sở này.

Nhưng đó vẫn chỉ là các giải pháp chưa căn cơ. "Căn bệnh” quá tải bệnh viện cần một liều vắc xin hữu hiệu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Thương (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN