Từ 10/3, thực hiện khai báo sức khoẻ tự nguyện

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Ngày 8/3, Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này.

Phó Thủ tướng lên phương án ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng lên phương án ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

“Từ hơn 2 ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế virus Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, PTT Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm. Vì vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Khi virus đã vào Việt Nam thì việc phát hiện sớm để ngăn chặn vô cùng quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.

Chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ tự nguyện trên toàn quốc

Phó Thủ tướng đề nghị phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế tối đa người Việt Nam đi ra nước ngoài hoặc qua nước đã có người nhiễm Covid-19, chỉ đi khi thực sự cần thiết, và phải được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo trước lúc đi, khi ở nước ngoài, sau khi về Việt Nam phải được đảm bảo an toàn.

Về nhập cảnh, Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định.

Chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.

“Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân trên toàn quốc”, PTT Vũ Đức Đam đề nghị.

Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện thật tốt công tác điều trị, bảo đảm bất cứ ai bị nhiễm Covid-19 cũng được chữa khỏi, thì “dù có nhiều ca nhiễm, dù virus Covid-19 có đáng sợ như thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng”. Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.

Khi có dấu hiệu nghi nhiễm mà có yếu tố dịch tễ, cần:

- Cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với nhiều người

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi

- Tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác

- Theo dõi các dấu hiệu dưới đây: Sốt (đo nhiệt độ 2 lần một ngày), ho, khó thở. Các triệu chứng ban đầu khác cần theo dõi là ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau họng, nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn/nôn và sổ mũi.

- Nếu bị sốt hoặc có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám, chẩn đoán chính xác, cách ly và điều trị kịp thời.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Khi tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19, cần lập tức tự cách ly bản thân trong vòng 14 ngày để theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể và đến ngay cơ sở y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin. Bộ Y tế đã công bố 2 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Covid-19: 19003228 và 19009095.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Nguồn: [Link nguồn]

 
4 ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội: Sở Y tế đề nghị người dân không chủ quan nhưng nên bình tĩnh

Hà Nội đã ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19. Sở Y tế đã yêu cầu giữa hệ dự phòng và điều trị cần phối hợp chặt chẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN