PTT Vũ Đức Đam: "Bộ Y tế cần làm rõ ai, nơi nào lơ là chống dịch"

Tại cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng chống dịch ngày 11/5 tại Văn phòng Chính phủ, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế và các lãnh đạo Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ, Bộ Thông tin truyền thông cùng ba cơ quan thông tấn báo chí thuộc Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thẳng đi vào những vấn đề "bên trong” của việc phòng, chống dịch bệnh.

Không để bao giờ phải nói: "Chúng ta chưa lường trước được”

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Đức Đam nói lý do vì sao lại “mời” Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) và ba cơ quan truyền thông của Chính phủ (Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN) họp vào Chủ nhật: “Tôi và chị Tiến (Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến-PV) đang họp Hội nghị TƯ 9, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo… nhưng tình hình như báo cáo của Bộ Y tế đúng là sởi có bớt nóng nhưng hàng ngày vẫn thêm người mắc; đồng thời bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút… có nguy cơ bùng phát.  Bệnh vốn coi là 'lành' mà chủ quan thì vẫn chết người. Tôi rất lo”.

PTT Vũ Đức Đam: "Bộ Y tế cần làm rõ ai, nơi nào lơ là chống dịch" - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Đình Nam)

Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đọc một báo cáo dài về “tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống dịch”... Theo báo cáo thì bức tranh về dịch sởi đã sáng lên rất nhiều. “Trong hai tuần gần đây nhất, mỗi tuần chỉ ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Đây là những bệnh nhân nặng đã điều trị từ trước... Hiện nay, số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm. Bộ Y tế đã cung ứng 1,2 triệu liều vắc xin, đảm bảo cho tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét vắc xin sởi và tiêm phòng chống dịch...”. Trong báo cáo thể hiện, Bộ Y tế đã chỉ đạo việc phòng chống dịch một cách sát sao, quyết liệt, và thường xuyên giám sát...

Ông Long nói lại chuyện 3 cháu bé tử vong ở Quảng Trị do tiêm nhầm vắc xin và giải thích: Sở dĩ có chuyện người dân lơ là tiêm phòng là do một số trường hợp chết sau khi tiêm vắc xin. Nhưng thực ra lỗi không phải do vắc xin mà do trùng hợp về mặt bệnh lý mà chúng ta không khám sàng lọc để chỉ ra các trường hợp cấm chỉ định tiêm vắc xin...

Phó Thủ tướng nói: Trường hợp 3 cháu ở Quảng Trị tử vong cho thấy việc “gửi thuốc” ở tủ vắc xin là vi phạm quy định của ngành. Tuân thủ quy trình cũng là y đức, chứ không chỉ có chuyện phong bì...

Bộ trưởng Tiến bổ sung: Tỷ lệ tiêm chủng giảm là tình hình chung ở nhiều nước và ở nước ta cũng  do một số ca tử vong khi tiêm phòng trong khi công tác truyền thông khi có sự cố chưa tốt. Trong điều trị cũng chưa lường hết diễn biến phức tạp. 

Phó Thủ tướng nói: “Cuộc họp này, chúng ta nhắc lại những câu chuyện đáng tiếc trong tiến trình phòng, chống dịch bệnh của ngành vừa rồi không phải là để quy lỗi mà để cùng nhau mổ xẻ rút kinh nghiệm, để không bao giờ lặp lại chuyện đáng tiếc, để không phải nói là vì “chúng ta chưa lường hết được...”.

Kiểm tra phải chỉ ra chỗ tốt, chỗ yếu và người chịu trách nhiệm

Sau khi Thứ trưởng Long trình bày xong phần kiến nghị, PTT Vũ Đức Đam hỏi: Nghe báo cáo thì  thấy “rất tốt”, "yên tâm”:  Vắc xin đủ, chỉ đạo quyết liệt, thiết bị, kinh phí điều trị bổ sung đủ. Thế thì tại sao không hiệu quả? Trong số các cháu chết vừa rồi do sởi thì có nhiều trường hợp vì không tiêm phòng. Các đồng chí nhớ lại, trong hội nghị trực tuyến hồi tháng 2, khi phát biểu, tôi đã đề cập đến vấn đề sởi trước, dù tên hội nghị và các báo cáo để sởi ở phần sau… Tại sao không tiêm phòng đủ? Bộ đã có nhiều đoàn kiểm tra, khi kiểm tra có chỉ rõ khâu nào, cơ quan nào, ai làm tốt, ai chưa làm tốt không? Theo tôi, Bộ không thể kiểm tra khắp nơi được, nhưng làm thì cần chỉ ra rõ rồi công khai, phổ biến để các nơi biết, rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng Tiến chia sẻ: “Trước khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có công điện gửi các chủ tịch, UBND tỉnh, thành phố, các địa phương về phòng chống dịch. Nhưng khi chưa có dịch, địa phương thường lơ là. Tôi đi một số địa phương, một số trạm còn không có tủ lạnh để vắc xin? Việc đề nghị chính quyền địa phương cấp đủ dây chuyền lạnh này không phải nơi nào cũng sẵn sàng”.

Thứ trưởng Long phản ánh: “Báo cáo PTT, tôi đã vào đến cấp xã, hỏi chủ tịch, họ chưa biết về công điện; nhiều địa phương chưa quyết liệt, càng cấp dưới, tiếng nói của cán bộ y tế yếu, chưa trọng lượng; khi có công điện thì mới vào cuộc. Ví dụ như Yên bái, khi địa phương quyết liệt thì có hiệu quả...”

PTT hỏi lại: Nói do địa phương thì cũng cần rõ là do ngành y tế địa phương chưa làm tốt, chưa tham mưu hay đã tham mưu, đã ”kêu” rồi mà chính quyền không vào cuộc? Các đoàn kiểm tra, Bộ đã kiến nghị với địa phương khen trường hợp nào tốt, phê (thậm chí đề nghị kỷ luật) ai chưa? Bộ đã có báo cáo Thủ tướng về chính quyền địa phương nào lơ là chống dịch?

PTT Vũ Đức Đam: "Bộ Y tế cần làm rõ ai, nơi nào lơ là chống dịch" - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng chống dịch. (Ảnh: Đình Nam)

“Không phải cứ lập Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch thì tốt hơn”

Tổng kết lại báo cáo, Thứ trưởng Long thay mặt Bộ Y tế kiến nghị: “Cho phép thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch bệnh do PTT Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Công việc phòng chống dịch bệnh đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, ngành y tế chỉ đóng vai trò thường trực tham mưu về mặt chuyên môn, kỹ thuật”. Bộ trưởng Tiến nói thêm: Bộ Y tế không thể chống dịch một mình...

PTT Vũ Đức Đam rời khỏi ghế, đứng dậy phát biểu: “Bộ Y tế chưa bao giờ chống dịch một mình... và đừng nghĩ rằng có Ủy ban thì mọi việc sẽ tốt hơn. Bộ Y tế cứ làm hết sức mình đi. Lúc nào Bộ cần họp thì tôi sẵn sàng họp, Bộ kiến nghị mời ai thì VPCP mời. Dù là họp Ủy ban hay họp chỉ đạo thì cũng từng đó cơ quan, gương mặt. Ngay TTG cũng luôn rất quan tâm, thời gian qua đã họp, đã chỉ đạo sát sao với những công điện quyết liệt....”.

Nên để xã hội góp phần truyền thông dịch bệnh

Tại cuộc họp, đại diện ba cơ quan truyền thông của Chính phủ đã góp ý với Bộ Y tế về phương pháp truyền thông phòng, chống dịch như đưa thông tin đúng, đủ, kịp thời. “Bộ nên cải tiến cách đưa thông tin như gửi email đến các cơ quan thông tấn, nội dung truyền thông nên viết ngắn, gọn, dễ hiểu...”.

Bộ trưởng Tiến cũng thừa nhận truyền thông sức khỏe của Bộ chưa được sáng tạo, “vẫn theo kiểu cổ điển, cán bộ có chuyên môn y tế thì không có chuyên môn truyền thông, người hiểu truyền thông thì không có chuyên môn y tế.  

PTT Vũ Đức Đam chỉ đạo: Bộ Y tế cần chủ động cung cấp thông tin, phải rất nhanh nhạy, kịp thời, đầy đủ và đúng sự thật… "Các thông điệp phòng chống dịch bệnh phải đơn giản, dễ hiểu, ấn tượng như quảng cáo thì người dân mới chú ý, dễ tiếp thu và làm theo.... Mà chẳng cần phải tốn cả triệu đô để thuê làm clip đâu. Nên tổ chức cuộc thi sáng tác clip, thông điệp, xã hội sẽ cung cấp cho các đồng chí ấn phẩm chất lượng mà cuộc thi cũng là một cách tuyên truyền...”. Phó Thủ tướng nói.

Sau khi trả lời rõ từng kiến nghị trong báo cáo của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đã có những kinh nghiệm thành công và cả những bài học đau xót. Phải cùng nhau quyết liệt. Nhân dân sẽ không chấp nhận nếu chúng ta để những chuyện đáng tiếc về phòng chống dịch xảy ra như với dịch sởi vừa rồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phương Đông ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN