Phú Yên, Khánh Hòa: Nóng bỏng dịch sốt xuất huyết

Những ngày tháng 7 này, người dân 2 tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên đang rất hoang mang vì dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Dịch bệnh lây lan mạnh làm cho bệnh nhân nhập viện càng nhiều, khiến bệnh viện quá tải...

Phú Yên: 3 ca tử vong

Theo Sở Y tế Phú Yên, tỉnh vừa có ca tử vong thứ 3 do SXH trong năm nay. Tổng hợp năm nay, Phú Yên đã có 70 ổ dịch SXH, với 1.653 người mắc bệnh, phần lớn là trẻ em. Hiện dịch SXH tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh vừa trích ngân sách 900 triệu đồng để mua hóa chất và chi phí nhân công phun thuốc diệt muỗi.

Phú Yên, Khánh Hòa: Nóng bỏng dịch sốt xuất huyết - 1

Điều trị cho các bệnh nhân sốt xuất huyết tại Phú Yên.

Ở thôn Phú Hiệp 1 và Phú Hiệp 3 (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Phú Hòa), vào giữa tháng 7 này đã có 1 ca tử vong vì SXH là cháu Lê Phan Quốc Nin (4 tuổi). Truy nguyên nguồn gốc gây bệnh, cháu Quốc Nin ở thôn Phú Hiệp 1 nhưng lại mắc bệnh ở ổ dịch thôn Phú Hiệp 3 trong lần Nin về nhà bà chơi.

Chiều qua, ông Phạm Bùi Duy Vũ (ở thôn Phú Hiệp 3) bày tỏ lo lắng với phóng viên: “Từ lúc nghe có dịch SXH, tôi luôn để ý các vật dụng đựng nước lâu ngày trong nhà, tối ngủ mùng, nhưng vẫn cứ lo vì vợ chồng tôi đi làm cả ngày, con gửi ở nhà trẻ trong vùng dịch”. Ông Nguyễn Hữu Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung cho hay: “Từ khi hay tin cháu Nin tử vong do SXH, người dân tỏ ra lo lắng và ý thức hơn trong việc vệ sinh nơi ở, diệt bọ gậy tại gia đình. Xã đã phối hợp với ngành y tế tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống SXH”.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Hòa Hiệp Trung, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 69 ca mắc SXH. Từ tháng 6 đến nay có 17 ca mắc, rải rác ở 8 thôn, trong đó có 1 ca tử vong. Số liệu từ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa cho thấy, số ca SXH tăng nhanh từ tháng 6 trở lại đây. Bác sĩ Trần Ngọc Thành - Trưởng trạm Y tế xã Hòa Hiệp Trung thông tin: “Đây là năm thứ 5 xã Hòa Hiệp Trung có dịch SXH. Dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, phát quang, diệt bọ gậy, nhưng ý thức người dân trong vấn đề này chưa được cải thiện nhiều”.

Bác sĩ Ung Trinh Chi - Phó Trưởng khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa) lo âu: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã nặng, có trường hợp bị phù đa màng, phù phổi, dịch ổ bụng... khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài”.

Khánh Hoà: Nhiều bệnh nhân nằm chung giường

Theo Phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đến ngày 29.7, toàn tỉnh có tổng cộng 4.043 ca bệnh SXH, trong đó có 2 ca tử vong. Trong đó, TP.Nha Trang là địa phương đứng đầu về số lượng bệnh nhân SXH, với 1.452 ca. Tình hình bệnh nhân SXH nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lúc nào cũng ở mức độ cao, nhất là từ giữa tuần trước. Từ đầu năm đến nay, lượng bệnh nhân nặng tăng (gần 40 ca).

Theo Viện Pasteur Nha Trang, hiện nay ở Khánh Hòa duy trì cả 4 tuýp SXH Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4, nên khi bệnh nhân đã nhiễm lần 2 dễ diễn ra tình trạng nhiễm chéo, tăng nặng bệnh. Thời tiết nắng ngắn, mưa ngắn, mưa nắng thất thường tại Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi...

Đang chăm sóc 2 con, 1 bé gái đang học lớp 2 và 1 bé trai 4 tuổi tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, chị Phan Thị Thúy (đường Trường Sa, phường Phước Long, TP.Nha Trang) cho biết, sau 3 ngày điều trị sốt tại nhà, ngày 28.7, con gái chị nôn ra máu, con trai thì thiếu máu, choáng, cả 2 chị em đều phải cấp cứu tại bệnh viện. Theo bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, khoa có 50 giường bệnh nhưng số lượng bệnh nhân SXH lúc nào cũng vượt quá, có lúc lên đến 130 ca, nên thường xuyên xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm 2- 3 người trên 1 giường bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Đức Tuấn - Mai Khuê (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN