Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối đi cách ly tập trung- Lưu ý của chuyên gia
Thời gian qua dịch COVID-19 hoành hành, không hiếm trường hợp phụ nữ mang thai, sinh nở ngay trong cơ sở y tế cách ly. BS. Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ- Trẻ em lưu ý một số điều khi bạn mang thai 3 tháng cuối thai kỳ phải đi cách ly tập trung.
Đối với phụ nữ mang thai, việc khám thai trong 3 tháng cuối rất quan trọng, vì vậy BS. Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ- Trẻ em khuyên chị em đang trong thời gian thai kỳ 3 tháng cuối: Cần nói với nhân viên y tế phụ trách việc cách ly liên hệ giúp với cơ sở chăm sóc sản khoa để đặt lịch thăm khám phù hợp. Tuỳ theo từng điều kiện cách ly và tình trạng của bạn, việc thăm khám có thể thực hiện tại nơi cách ly hoặc tại cơ sở y tế, với sự tuân thủ đầy đủ các quy định về vận chuyển người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và áp dụng các biện pháp phòng hộ cần thiết, an toàn cho sản phụ và người thực hiện khám thai.
PNCT 3 tháng cuối cũng cần theo dõi để tự phát hiện dấu hiệu chuyển dạ
BS. Đinh Anh Tuấn đưa ra các dấu hiệu nguy hiểm, phụ nữ có thai (PNCT) cần ghi nhớ để tự phát hiện và thông báo cho cán bộ y tế. Đó là:
Đau bụng
Đau bụng trong 3 tháng cuối thai kỳ trước ngày dự sinh có thể là dấu hiệu của rau bong non, dọa đẻ non. Nếu bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Ra máu, ra nước
Ra máu, ra nước âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài dạ con, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, rau tiền đạo, rau bong non, rỉ ối... Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu, ra nước và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.
Đau đầu, nhìn mờ
Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, PNCT cần được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.
Ngoài tự phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm như đã nêu ở phần trên, PNCT 3 tháng cuối cần tự theo dõi dấu hiệu cử động thai (thai máy, thai đạp): Nếu thai đạp nhiều hơn mọi ngày, có thể do người mẹ mệt mỏi, thiếu ô xy. Bạn cần liên hệ với nhân viên y tế để kiểm tra nếu theo dõi liền trong 6 giờ không thấy thai cử động.
Dấu hiệu chuyển dạ: PNCT 3 tháng cuối cũng cần theo dõi để tự phát hiện dấu hiệu chuyển dạ. Nếu các bạn có dấu hiệu đau bụng từng cơn tăng dần, kèm theo có ra dịch hồng, ra nước hoặc chất nhầy (như nhựa chuối), có thể bạn đã chuyển dạ, khi đó bạn cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định về tình hình thực tế dịch COVID-19 tại Bắc Ninh và sự nỗ lực của toàn tỉnh thời...