Phụ huynh tẩy chay vắc-xin hãy nhớ đến dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong

Sự kiện: Dịch sởi

Rất nhiều bệnh nhi đang phải điều trị tích cực vì biến chứng nặng của dịch sởi do cha mẹ không cho trẻ đi tiêm vắc-xin sởi.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, những ngày đầu năm 2019, dịch sởi bùng phát mạnh, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài nguyên nhân chu kỳ dịch 5 năm/lần thì một nguyên nhân quan trọng khác khiến dịch sởi bùng phát là tình trạng người dân không đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi, dù đây là vắc-xin nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia.

Phụ huynh tẩy chay vắc-xin hãy nhớ đến dịch sởi năm 2014 khiến hơn 100 trẻ tử vong - 1

Năm 2014 có hơn 7000 ca mắc sởi, trong đó có trên 111 ca tử vong do các biến chứng liên quan đến sởi.

PGS Dũng cảnh báo, nếu tình trạng này lan rộng, những dịch bệnh tưởng như đã được khống chế hàng chục năm trước sẽ quay trở lại và chúng ta sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em.

“Bài học đau lòng về dịch sởi năm 2014 khiến nhiều trẻ tử vong. Đó là hậu quả của trào lưu tẩy chay vắc-xin sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng cuối năm 2013 gây ra”, PGS Dũng nhắc lại.

Thời điểm dịch sởi bùng phát tại nước ta vào cuối năm 2013 đầu năm 2014 đã khiến hàng ngàn trẻ em mắc bệnh và hơn 100 trẻ tử vong.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, năm 2014 có hơn 7000 ca mắc sởi, trong đó có trên 111 ca tử vong do các biến chứng liên quan đến sởi. Trong số trẻ mắc sởi có đến hơn 80% trẻ không được tiêm vắc-xin.

Riêng Hà Nội chiếm một nửa trong tổng số ca tử vong, các cơ sở điều trị gồm Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn…. luôn ở trong tình trạng quá tải bệnh nhi, phải sắp xếp 4-5 trẻ/giường, các bác sĩ phải nhường phòng của mình để làm giường bệnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhờ sử dụng vắc-xin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, bệnh bạch hầu giảm 585 lần, ho gà giảm 937 lần, uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, sởi giảm 573 lần.

Vì vậy, theo ông Phu, “trào lưu chống vắc-xin là một trào lưu nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến những thành quả như thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và nỗ lực tiến đến loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam”.

Ở một số quốc gia, trẻ chưa tiêm chủng thì không được vào học trường công. Ở Việt Nam, tiêm chủng là bắt buộc và nghị định về tiêm chủng cũng yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng trước khi trẻ vào mẫu giáo và tiểu học.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phu, Việt Nam không có quy định phạt nếu gia đình không cho trẻ đi tiêm chủng, mà coi đây là một chương trình y tế công cộng nhiều ý nghĩa và vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, nhằm bảo vệ trẻ khỏi bị lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

“Nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng chắc chắn là dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc”, ông Phu nói thêm.

Dịch sởi bùng phát do trẻ chưa tiêm vắc xin

“Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi trong thời gian qua là do trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN