Phòng, chống dịch COVID-19: Hậu họa từ lỗ hổng cách ly

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Hàng loạt trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly, lây nhiễm từ người cách ly ra cộng đồng, sự lỏng lẻo trong việc giám sát sau cách ly khiến những ngày qua, dịch COVID-19 đã lây lan tại nhiều địa phương. Từ đó cho thấy “lỗ hổng” cách ly nếu không được lấp đầy sẽ gây hậu họa khôn lường.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Tuấn Dũng

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Tuấn Dũng

Sự việc 4 người Ấn Độ mắc COVID-19 và lây nhiễm sang một nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) nơi chuyên gia cách ly đã cho thấy có sự chưa chặt chẽ trong quy trình quản lý người cách ly. Cùng với đó là việc nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày cũng tại khách sạn Như Nguyệt 2 lẽ ra theo quy định sau khi được đưa về công ty cần phải tiếp tục được chính quyền địa phương sở tại giám sát sức khỏe thêm 14 ngày nữa mới được coi là kết thúc quá trình cách ly.

Vậy nhưng, các chuyên gia này đã đi khắp nơi từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bái đến Tân Uyên, Lai Châu, sang Lào Cai và về Vĩnh Phúc. Cho đến ngày 29/4, khi về nước chuyên gia được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, các địa phương mới vội vã truy tìm những người tiếp xúc gần. Đến ngày 2/5 đã có ít nhất 5 người tiếp xúc gần được xác định lây nhiễm từ chuyên gia này. Ngày 27/4 khách sạn tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên phục vụ. Kết quả giải trình tự gene của 5 trường hợp này (gồm 4 chuyên gia Ấn Độ và 1 nhân viên lễ tân) cho thấy, họ đều mắc biến chủng B.1.617.2 được ghi nhận tại Ấn Độ.

Thêm 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng

Tối 3/5 Bộ Y tế cho biết trong ngày ghi nhận 19 ca mắc COVID-19, trong đó có 9 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Vĩnh Phúc 8 ca, Hà Nam 2 ca. Việt Nam hiện có 2.981 ca bệnh.

Liên quan đến sự việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, nhiều khả năng những chuyên gia Trung Quốc cũng bị lây bệnh trong khu cách ly ở khách sạn Như Nguyệt 2. Để phòng lây nhiễm chéo, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn chặt chẽ trong các khu cách ly tập trung. "Việc quản lý, tổ chức cách ly ở khách sạn này có vấn đề, chưa áp dụng đúng với các quy định của Bộ Y tế", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác phòng dịch tại tỉnh Yên Bái. Sau khi kiểm tra một khu cách ly tập trung của tỉnh, các chuyên gia của Bộ Y tế đã chỉ ra những lỗ hổng, thiết sót cần khẩn trương khắc phục, đó là tại đây chưa phân định, sắp xếp rõ ràng các nhóm nguy cơ trong khu cách ly; chưa phân rõ khu cách ly người nhập cảnh và khu điều hành...

Từ những tồn tại đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cảnh báo, lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra. Việc để xảy ra ca bệnh trong khu cách ly của tỉnh Yên Bái cũng là bài học đắt giá cho các địa phương khác.

Quan trọng là ý thức cá nhân

Bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho rằng quy trình quản lý chuyên gia sau khi hết cách ly tập trung rất chặt chẽ. Tuy nhiên các đơn vị có liên quan đã không thực hiện trách nhiệm đưa đón, quản lý các chuyên gia Trung Quốc nói trên theo quy định. Từ ngày 23-25/4, những chuyên gia này đã tự ý di chuyển đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người như tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai); huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc); thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); huyện Phong Thổ, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu); huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Hoặc như ca bệnh 2.899 (nam, 28 tuổi; có địa chỉ tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 7/4, đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung vào ngày 21/4 tại Đà Nẵng với ba lần xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, người này khi rời khỏi khu cách ly đã đi xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nội, sau đó còn đi uống bia, đi cắt tóc, đi ăn liên hoan, gặp gỡ nhiều người. Trong khi chỉ ba ngày sau rời khu cách ly, bệnh nhân này có triệu chứng ho, sốt...

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam là vô cùng quan trọng. "Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những vụ việc như vừa rồi xảy ra, không để bệnh lây lan sang các tỉnh... Việc đi uống bia rượu, hát karaoke, không đeo khẩu trang... chính là vi phạm vào quy định áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân sau 14 ngày cách ly tập trung. Quy định Việt Nam đang áp dụng là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, các nước trên thế giới cũng cách ly tập trung đối với người nhập cảnh tối đa là 14 ngày. Vấn đề đặt ra ở đây nằm ở khâu tổ chức, giám sát và ý thức cá nhân của người cách ly", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Người từ những nơi này đến TP.HCM phải được cách ly ngay

HCDC TP.HCM vừa cập nhật danh sách, địa chỉ các khu vực, tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN