Phòng bệnh mùa hè thời Covid-19

Sự kiện: Sống khỏe

Khu vực phía Nam và TP HCM đang vào mùa nắng nóng, có thể xem là một thuận lợi lớn để chống lại Covid-19. Tuy nhiên, thời tiết này lại là điều kiện thuận lợi của một số bệnh khác do vi khuẩn.

Virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây Covid-19 "sợ" nóng, ẩm nhưng vi khuẩn lại "thích". Vì vậy, mùa nắng nóng hãy coi chừng các bệnh do vi khuẩn, đứng đầu có thể kể đến là bệnh lý đường tiêu hóa.

Không phơi nắng quá đà

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), thời tiết mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi của một số bệnh mà chúng ta cần phải đề phòng. Đầu tiên có thể kể đến là bệnh tay chân miệng, vốn thường bắt đầu đợt gia tăng vào tháng 3 và 4, khi trời nóng lên. Nhóm bệnh về đường tiêu hóa cũng cần phải lưu tâm vì trời nóng làm thức ăn dễ ôi, thiu dễ dẫn đến nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phía Nam cũng dễ mắc nhóm bệnh về đường hô hấp do thời tiết nắng nóng nên sử dụng nhiều quạt máy, máy lạnh; việc dùng máy lạnh không đúng cách khiến nhiệt độ phòng và bên ngoài chênh lệch quá cao, dễ bị nhiễm lạnh, nhất là về đêm.

Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà cả các bệnh mùa hè Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà cả các bệnh mùa hè Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Riêng với Covid-19, theo BS Nguyễn Minh Tiến, thời tiết nắng nóng sắp tới sẽ giúp chúng ta bớt lo. Đặc tính sinh thái học của virus SARS-CoV-2 là dễ suy yếu trong môi trường nóng, chỉ nguy hiểm trong thời tiết lạnh, khô. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiệt độ từ 4 - 20 độ C, độ ẩm 20% thì virus SARS-CoV-2 có thể sống được khoảng 5 ngày trên các bề mặt. Với một số dạng bề mặt, nó sống còn lâu hơn ví dụ như kim loại. Thế nhưng khi thời tiết càng nóng, nó càng mau chết, đồng thời yếu đi, khiến khả năng gây bệnh giảm.

Thông tin virus SARS-CoV-2 "sợ" nắng, tia UV khiến nhiều người quá tích cực phơi nắng nhưng theo các BS, hiểu như vậy là chưa đúng. Hãy tận dụng điều này bằng cách mở cửa cho phòng của bạn thông thoáng, có nắng, có gió và phơi các vật dụng cần thiết dưới ánh nắng để diệt khuẩn. Khi dùng đèn UV diệt khuẩn phải chú ý không có người trong phòng. Để tăng cường sức khỏe, chỉ nên phơi nắng sớm trước 9 giờ ở mức vừa phải và tư vấn BS ngay nếu có dấu hiệu bỏng da, rát da do tiếp xúc với nắng quá đà.

"Bớt sợ" nhưng không được chủ quan

BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo virus SARS-CoV-2 suy yếu với nhiệt độ cao nhưng không có nghĩa sẽ chết hoàn toàn. Vì vậy vẫn phải phòng bệnh bằng các biện pháp như từ đầu mùa dịch đến nay, nhất là người lớn tuổi, có bệnh nền, sức đề kháng kém.

BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), khuyến cáo vào mùa nắng nóng, người lớn tuổi nên đề phòng một số bệnh về tim mạch và cả các cơn say nắng. Cơn say nắng (sốc nắng, sốc nhiệt…) là do đi quá lâu dưới trời nắng nóng, người cao tuổi có bệnh nền sẽ có nguy cơ cao hơn người trẻ. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, giãn mạch, mất nước qua mồ hôi.

Những biểu hiện nhẹ ban đầu có thể là tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực… Nặng hơn là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, khó thở, chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ). Nếu không được can thiệp đúng và kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như ngất, hôn mê, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.

BS Nguyễn Minh Tiến tư vấn: "Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng không chỉ phòng Covid-19 mà còn giúp phòng bệnh tay chân miệng và nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác như thủy đậu, tiêu chảy, sởi… Nhà cửa thông thoáng thì vừa phòng Covid-19 vừa bớt lo cả sốt xuất huyết; môi trường sạch sẽ, thoáng đãng cũng làm các vi khuẩn gây bệnh khác khó sinh sôi nảy nở hơn. Dùng máy lạnh đúng cách, không để nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ giúp không bị nhiễm lạnh…".

Biện pháp uống nước thường xuyên được các BS khuyến cáo trong mùa Covid-19 nhằm giúp đường hô hấp không bị khô, tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể cũng phù hợp trong mùa nắng nóng. Vì theo BS Trương Quang Anh Vũ, bổ sung đủ nước cũng là cách để không bị say nắng, bởi say nắng liên quan mật thiết đến việc mất nước. Uống đủ nước còn tốt cho nhiều bệnh mạn tính, bệnh của người cao tuổi như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… 

Theo các bác sĩ, những biện pháp như rửa tay, uống nước thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà có lợi cho cả các bệnh mùa hè.

Nguồn: [Link nguồn]

BS kê ra 8 việc đơn giản luôn cần làm để cha mẹ không phải nghỉ làm vì trông con ốm mùa hè

Thời tiết thay đổi thất thường khiến trẻ rất dễ bị ốm, sốt. Bác sĩ hướng dẫn cha mẹ 8 việc đơn giản giúp trẻ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN