Phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp: 56,3% trong ngành y
Theo tỉ lệ ghi nhận từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trong số các ca phơi nhiễm HIV do tại nạn nghề nghiệp được phát hiện và điều trị dự phòng tại đây, có đến 56,3% là người làm trong ngành y tế.
Nhóm có tỉ lệ cao tiếp theo là ngành công an, với 27%.
Sáng 10-12, Hội Phòng chống HIV/AIDS TP HCM đã tổ chức hội thảo “Cập nhật về quản lý và điều trị dự phòng ARV”. Trong đó, bài báo cáo của bà Bùi Thị Hồng Ngọc, cử nhân điều dưỡng đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, cho biết theo các thống kê, đến cuối năm 2015 cả nước có đến 227.154 người nhiễm HIV, trong đó số lượng phát hiện năm 2015 là 10.195 ca. Các nguyên nhân phơi nhiễm HIV là do quan hệ tình dục không an toàn (39%), do đạp kim tiêm (34%), tai nạn nghề nghiệp (26%), đả thương (1%).
Điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM
Đáng chú ý, theo thống kê trong các năm 2011-2014 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong số 760 người phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp, có đến 56,3% là người làm trong ngành y tế. Trong đó, có 9% là bác sĩ, 32% là điều dưỡng – kỹ thuật viên – nữ hộ sinh, 7% là hộ lý và 8% là học sinh – sinh viên ngành y nhiễm trong quá trình thực hành. Các ngành khác cũng có nguy cơ cao do tai nạn nghề nghiệp là công an, lao động làm trong các trường, trung tâm cai nghiện và lực lượng vũ trang.
Theo bà Bùi Thị Hồng Ngọc, do tính chất của nghề nghiệp, nên việc các ngành nghề trên có tỉ lệ phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp cao hơn các ngành khác. Tuy nhiên, điều cần lưu ý nhất là quy trình xử lý sau phơi nhiễm – xử lý đúng, có thể tránh khỏi việc dương tính với HIV.
Quy trình xử lý bao gồm xử lý vết thương tại chỗ, báo cáo với người phụ trách, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, xác định tình trạng HIV của nguồi lây, xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm, tư vấn cho người bị phơi nhiễm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV.