Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu có ca nhiễm phải phát hiện trong 3 ngày đầu tiên
Chiều 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 9 địa phương có khu công nghiệp về công tác kiểm soát dịch bệnh tại các khu công nghiệp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp đòi hỏi những biện pháp phòng, chống rất khác trước áp lực rất lớn trong việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly cho hàng chục nghìn công nhân, điều trị hàng nghìn bệnh nhân…
Đại diện Bộ Y tế cho biết, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, các địa phương nâng cao mức độ cảnh báo, không được chủ quan, lơ là, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K; xét nghiệm sàng lọc chủ động cho các đối tượng có nguy cơ. Tại cộng đồng, các lực lượng tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ, áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương có khu công nghiệp đảm bảo an toàn cao nhất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức lại sản xuất qua việc phân ca, giãn cách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch; yêu cầu thực hiện xét nghiệm tối thiểu 2 lần với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tổ chức sản xuất, kinh doanh và xét nghiệm nhanh hàng tuần với công nhân, người lao động. Tại cộng đồng, các lực lượng tiếp tục truy vết thần tốc; thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp F1 và lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng tại khu vực nguy cơ, áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phong tỏa, giãn cách phù hợp.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, từ ngày 27/5 đến nay, các lực lượng đã lấy các mẫu xét nghiệm sàng lọc, truy vết và phát hiện ra 4 ca mắc COVID-19 - là công nhân làm việc trong khu công nghiệp, đã được phát hiện kịp thời, chưa lây nhiễm ra cộng đồng. Đồng thời, công giám sát được tăng cường, thực hiện trọng điểm, khi cần thiết sẽ mở rộng xét nghiệm toàn xí nghiệp, phân xưởng với những nơi có nguy cơ; duy trì lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho 20% công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp. Do vẫn có nguy cơ cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các khu công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung phong tỏa chặt các ổ dịch ở quy mô khu phố, tiến hành đánh giá tình hình ổ dịch; tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các khu công nghiệp, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình hiện nay ở TPHCM vẫn có nguy cơ rất cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các khu công nghiệp. Vì vậy, các lực lượng của thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các khu công nghiệp, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết để chuẩn bị tình huống có dịch trong cộng đồng, đặc biệt là khu công nghiệp, địa phương đang tập trung chỉ đạo để nâng công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp lên 50.000 mẫu gộp/ngày; chuẩn bị các khu cách ly ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng phòng chống dịch của Đồng Nai đang ở trạng thái tập trung cao độ, các tổ COVID cộng đồng hoạt động rất tích cực.
Tương tự, với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với gần 1,2 triệu công nhân, người lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng từ nguồn lây TPHCM, tỉnh yêu cầu các công ty, doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó cho các ca mắc COVID-19. Bình Dương đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày.
Phải chuẩn bị kỹ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm
Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, để xử lý ca mắc COVID-19 trong thời gian ngắn nhất, các lực lượng phải quyết liệt triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng. Đặc biệt, năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch. Bắc Ninh đã thực hiện thần tốc truy vết, sau đó dồn lực cho xét nghiệm, từng bước sàng lọc, làm sạch và giải phóng khu vực phong tỏa. Trước yêu cầu đặt ra là phải phát hiện rất sớm các ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh thực hiện rất nghiêm công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ khoảng 20% công nhân, thậm chí tăng cường tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.
Đáng chú ý, cùng với công tác chống dịch, Bắc Ninh đã tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất cho khoảng 500 DN, và khi có 1 doanh nghiệp ghi nhận ca nhiễm, tỉnh đã khoanh vùng, xử lý nhanh chóng, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác.
Từ tâm dịch Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bùng phát trong các khu công nghiệp.
Có 4 nguồn lây chính trong khu công nghiệp ở Bắc Giang là môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hoà, đặc biệt là các DN sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; trên xe ô tô đưa đón; tại chỗ trọ của công nhân.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, các địa phương có khu, cụm công nghiệp phải chuẩn bị kỹ phương án “tại chỗ”, sẵn sàng cho tình huống xảy ra dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra trong các khu, cụm công nghiệp phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu, điều trị hàng nghìn ca bệnh…
Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp bởi khi phát hiện ca mắc COVID-19, các lực lượng không chỉ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trong khu công nghiệp, nhà máy mà còn nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch ở các khu nhà trọ của công nhân. Với số lượng mẫu lớn, yêu cầu trả kết qua ngay trong ngày để truy vết, khoanh vùng sẽ gây áp lực lớn lên lực lượng y tế.
“Dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp là một bài toán hoàn toàn khác nên các địa phương phải cố gắng không để dịch lây lan vào đây. Nếu có, phải nỗ lực phát hiện các ca mắc trong vòng 3 ngày đầu tiên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng khẳng định: “không có mô hình chuẩn cho công tác khoan vùng cách ly, phong tỏa”, chủ yếu phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương. “Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, lãnh đạo địa phương phải quyết rất sớm; phải làm rất chặt ở bên trong, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Ban đầu có thể chưa thể xác định được diện khoanh vùng, tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại”, Phó Thủ tướng lưu ý.
COVID -19 ảnh hưởng nặng nề mọi mặt của đời sống tại Bắc Giang nhưng cũng là ngọn lửa giúp phát hiện ra “vàng mười”,...
Nguồn: [Link nguồn]