Phẫu thuật thành công khối u nặng 15 kg

Ngày 18/10, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân mang khối u khổng lồ nặng 15 kg trong ổ bụng.

Ngày 20/08 bệnh nhân Đinh Trọng D, 70 tuổi,  phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương nhập viện trong tình trạng tức nặng toàn ổ bụng, gầy yếu, vận động đi lại khó khăn. Các bác sĩ ví  khối u trong ổ bụng của bệnh nhân như đang mang bào thai sinh ba. Được biết, ông D đã mang khối u này trong bụng trên 10 năm và đi khám nhiều nơi, nhưng chưa có điều kiện điều trị.

PGS.TS. Nguyễn Cường Thịnh, chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết khi mổ thấy khối u mỡ khổng lồ choán toàn bộ ổ bụng, lan tỏa từ cơ hoành đến tiểu khung, đè đẩy dạ dày, gan, ruột lên trên, ra phía sau. Ngoài ra, bệnh nhân còn có sỏi trong ống mật chủ. Kíp mổ đã lấy bỏ toàn bộ khối u và sỏi ống mật chủ cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, khối u được lấy ra và có cân nặng khoảng 15 kg.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, hệ tiêu hóa lưu thông.

U mỡ là một loại u hình tròn, mềm, di động, không đau phồng lên dưới da, gồm những tế bào mỡ nếu ấn mạnh bằng đầu ngón tay thì lõm xuống. Thường có ý nghĩ sai lầm là u mỡ nằm ngay dưới da nhưng trong thực tế u mỡ phát triển ở lớp sâu của da - lớp tế bào mỡ dưới biểu bì và hạ bì ngay trên lớp cơ.

Khi u mỡ to lên, nó tiến sát đến bề mặt da cho nên khi đó nhìn rõ. U mỡ có thể phát triển ở nhiều vị trí trên khắp cơ thể nhưng hay có ở cổ, vai, ngực, bụng, phần trên của lưng, cánh tay, đùi. Rất hiếm khi thấy u mỡ ở trên mặt và hầu như không bao giờ thấy ở bàn chân, bàn tay.

U mỡ hay gặp và lành tính, kích thước cũng rất đa dạng, có thể có một hay nhiều u mỡ mà chẳng thấy bận bịu gì nếu không to nhưng u mỡ cũng to lên theo tuổi tác, có khi phát triển to bằng quả bưởi. U mỡ cũng không có tính di truyền nhưng có một bệnh hiếm gặp hay xảy ra trong gia đình gọi là bệnh rối loạn mỡ nổi cục có đặc trưng là nổi nhiều u mỡ trên khắp cơ thể.

Nói chung chẩn đoán u mỡ đơn giản. Nếu như da phủ lên u mỡ bị viêm thì u mỡ trở nên kém di động hoặc hơi đau, nên hỏi ý kiến thầy thuốc để biết bản chất của tổn thương là gì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN