Phẫu thuật kéo dài 12cm chân

Nhiều bệnh nhân của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 chia sẻ rằng, chỉ vì đôi chân mang tật, họ đã phải từ bỏ ước mơ cháy bỏng nhất trong cuộc đời mình.

"Cô giáo tập tễnh"

Trong số các bệnh nhân của ThS.BS Nguyễn Văn Lượng có trường hợp cô gái mang tên Nguyễn Minh Ngọc, 27 tuổi ở Hòa Bình. Ngọc sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng lên 6 tuổi, cô bé mắc chứng viêm mủ khớp. Do không được điều trị tích cực, kịp thời nên không lâu sau đó khớp gối chân phải của Ngọc bị biến dạng, dẫn đến chân này ngắn hơn chân bên kia.

Suốt thời gian đi học, Ngọc luôn bị bạn bè trêu chọc vì đôi chân thiếu cân bằng của mình. Nhưng em học rất giỏi và luôn mơ ước được trở thành cô giáo giống mẹ. Thế mà sau khi đã vượt qua mọi tủi hờn, khó nhọc để bước lên bục giảng, thực hiện ước mơ là cô giáo của mình, chưa đầy một năm đứng lớp, Ngọc đã phải rời bỏ.

ThS.BS Nguyễn Văn Lượng nói rằng anh rất cảm thông và chia sẻ với Ngọc khi nghe cô tâm sự mỗi giờ lên lớp lại thấy học sinh bên dưới rào rào nói với nhau "đến giờ tập tễnh rồi", "chân thọt vào lớp" hay thái độ hỗn láo, coi thường cô giáo của học sinh mỗi lúc bị cô phạt vì không làm bài tập, mất trật tự trong lớp... Ngay cả các đồng nghiệp trong trường nhiều lúc cũng vô tư gọi sau lưng Ngọc là "cô giáo tập tễnh". Những lúc như thế Ngọc nuốt sự tủi thân, đau khổ vào tận đáy lòng. Và cuối cùng, Ngọc lặng lẽ từ bỏ công việc - niềm ước mơ đã nuôi dưỡng cô suốt tuổi thơ buồn.

Một lần, nghe thông tin về Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 có thể phẫu thuật kéo dài chân, Ngọc đã điện thoại đến xin tư vấn. Sau khi thăm khám, nhận thấy độ chênh lệch giữa hai chân của Ngọc lớn đến 12cm, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật kéo dài hai phần gồm cả phần đùi và phần cẳng chân cho Ngọc. Gần 4 tháng điều trị, Ngọc dường như không tin ở mắt mình khi hai chân đã dài bằng nhau, cô có thể đi lại từng bước vững vàng, ngay ngắn. Ngọc rưng rưng nghĩ đến ngày quay về trường cũ, bước lên bục giảng, và chắc chắn tình yêu, hạnh phúc cũng sẽ đến với cô...

Phẫu thuật kéo dài 12cm chân - 1

Một trường hợp được thực hiện phẫu thuật kéo dài chân.

Nâng bao nhiêu cũng được!

PGS.TS Lê Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, từ năm 1995, khi xóa bỏ được bại liệt nhờ tiêm chủng, những trường hợp bị tật chân ngắn chân dài cũng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, các nguyên nhân do chấn thương sau tai nạn, viêm mủ khớp vẫn khiến nhiều bệnh nhân mắc dị tật này.

PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết, về lý thuyết, muốn kéo dài bao nhiêu cũng được. Còn thực tế, bệnh nhân có thể kéo dài từ 7 - 8cm. Các bác sĩ trước đây dùng phương pháp cắt xương, xuyên khung bên ngoài. Nếu muốn kéo dài 7cm sẽ mất thời gian 70 ngày. Khi đã kéo dài đủ 7cm, còn phải chờ thêm 7 tháng nữa để liền xương, sau đó mới bỏ khung. Còn hiện nay, bệnh viện đang sử dụng phương pháp mới là cắt xương, đặt đinh trong tủy xương, chờ đủ 70 ngày để đạt độ dài 7cm là bệnh nhân đã có thể tự đi lại, vận động nhẹ nhàng, làm quen với "đôi chân mới".

Là người nghiên cứu cũng như trực tiếp thực hiện nhiều ca kéo dài chi, ThS.BS Nguyễn Văn Lượng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho hay, phương pháp kéo dài chi đã được làm từ những năm 1990. Khi ấy các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện kéo dài chân cho những bệnh nhân bị tật chân ngắn chân dài bằng phương pháp sử dụng khung cố định ngoài để kéo dài chi.

Bác sĩ sẽ mổ cắt xương, sử dụng bộ khung giữ chỗ cắt tiếp giáp giúp xương thẳng trục, sau đó vặn để giãn dần ra. Xương sẽ giãn 1mm/ngày. Kéo đến 7cm thì dừng. Mới đầu, can xương ở chỗ cắt sẽ mềm, nhưng dần dần sẽ đặc hơn. Thông thường kéo 1cm cần 1,5 tháng. Để cao thêm 7cm sẽ cần 10,5 tháng. Bệnh nhân phải đeo khung trong một thời gian dài, chỉ có thể tập đi trong khung chữ U. Việc mang khung như cùm chân khiến nhiều bệnh nhân khó chịu, hơn nữa, mang khung lâu ngày dễ dẫn đến biến chứng viêm chân đinh. Ngày nay, để rút ngắn thời gian, các bác sĩ đã sử dụng tế bào gốc bơm vào ổ căng giãn thúc đẩy quá trình liền xương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN