Phát hiện thêm 20 loại muỗi mang virus Zika
Các nhà khoa học đã phát hiện hơn 20 loài muỗi mang virus Zika ở châu Phi. Tuy nhiên, chưa rõ chúng có gây lây nhiễm trực tiếp cho con người hay không.
Cùng với đó, những nhà khoa học tại Brazil cho biết có một loại muỗi phổ biến hơn loài muỗi Aedes aegypi-thủ phạm chính được cho là lây lan virus Zika, có thể cũng mang virus này. Điều này cũng khiến công cuộc hạn chế sự lan truyền của căn bệnh càng khó khăn hơn.
Aedes aegypi đã được cho là thủ phạm chính gây lây lan Zika, ảnh hưởng đến hàng ngàn trẻ sơ sinh tại Brazil và các nước châu Mỹ Latinh khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học Brazil thông báo vào ngày 3-3 rằng có một loại muỗi khác là Culex quinquefasciatus cũng có thể gây lây nhiễm Zika. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng virus Zika cũng có thể có ở những loại muỗi phổ biến khác.
Tại Brazil, muỗi Culex quinquefasciatus phổ biến gấp 20 lần muỗi Aedes aegypi. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét máu thỏ bị nhiễm virus Zika từ muỗi Culex quinquefasciatus. Virus này đã lưu thông từ cơ thể muỗi sang tuyến nước bọt của chúng, nghĩa là chúng có thể truyền Zika bằng cách chích người.
Các cơ quan y tế chức năng đã cho rằng Aedes aegypi là loài muỗi chịu trách nhiệm chính cho dịch bệnh Zika. Có những bằng chứng cho thấy một số loài muỗi khác cũng lây truyền Zika và các nhà khoa học đã phát hiện hơn 20 loài muỗi mang virus này ở châu Phi, dù chưa rõ chúng có gây lây nhiễm trực tiếp cho con người.
Nhóm nghiên cứu Brazil cho rằng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định muỗi Culex trong tự nhiên có lây truyền visrus Zika hay không. Họ sẽ bắt muỗi Culex ở khu vực dịch bệnh để nghiên cứu thêm, nhưng công việc này có thể mất chừng tám tháng.
Nếu loại virus phổ biến này có thể gây bệnh diện rộng, sẽ khó khăn hơn để kiềm chế dịch bệnh đang bùng phát. Brazil cho biết đã xác nhận 640 ca trẻ sơ sinh bị bệnh đầu nhỏ, hầu hết đều có mẹ bị nhiễm Zika. Ngoài ra, còn có hơn 4.200 ca nghi ngờ nhiễm virus khác. Zika được tìm thấy trong dịch cơ thể và mô của mẹ và con bị bệnh đầu nhỏ.
Muỗi Culex quinquefasciatus cũng sống ở những vùng cận nhiệt đới, và có thể tồn tại qua mùa đông. Không giống như Aedes aegypi, Culex quinquefasciatus có thể giữ virus trong hệ tuần hoàn qua cả những tháng lạnh. Dù loài muỗi này ưa thích máu chim hơn, chúng cũng thường cắn người, đặc biệt ở nông thôn. Điều này khiến việc diệt trừ muỗi ở các cụm cây cao và rậm sẽ khác biệt hơn nhiều so với muỗi sống ở vùng đất thấp.