Phát hiện thêm 1 ca mắc bạch hầu, từng tiếp xúc với ca bệnh ở Bắc Giang
Bệnh nhân trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, từng tiếp xúc gần với cô gái 18 tuổi mắc bạch hầu trước đó.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang ghi nhận thêm một phụ nữ, 29 tuổi, dương tính với bạch hầu.
Bệnh nhân trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, từng tiếp xúc gần với bệnh nhân 18 tuổi mắc bạch hầu trước đó. Kết quả xét nghiệm lần đầu của người này âm tính, xét nghiệm lần thứ hai dương tính với bệnh bạch hầu.
Chiều 10/7, bệnh nhân này được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, điều trị. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân không có biểu hiện bệnh, hiện sức khỏe bình thường.
Người dân nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu - Ảnh: VGP/HM
Qua truy vết, bước đầu lực lượng chức năng xác định 7 người tiếp xúc gần và họ đều có trong danh sách 15 trường hợp được xác định là F1 của bệnh nhân đầu tiên, cách ly y tế từ ngày 7/7.
Đến nay, cơ quan y tế đã ghi nhận 3 ca bạch hầu, hơn 100 người tiếp xúc với các bệnh nhân được cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với bệnh nhân, điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày.
Liên quan ca bệnh bạch hầu (18 tuổi ở Bắc Giang), điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), thông tin từ Bệnh viện cho biết, may mắn bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh sớm nên thể trạng hiện giờ tốt.
Bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh để diệt vi khuẩn và ngăn ngừa mầm bệnh phát triển. Dự kiến, với điều kiện sức khỏe cho phép, bệnh nhân sẽ được chuyển về bệnh viện tại Nghệ An để được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Theo BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu rất đa dạng, từ không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.
Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy, vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26 - 40%). Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.
Nguồn: [Link nguồn]
PGS. TS. BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ thêm về bệnh bạch hầu.