Phát hiện sỏi chi chít trong thận thanh niên 26 tuổi vì một sai lầm mà nhiều người Việt mắc phải

“Hàng trăm viên sỏi chi chít trong thận trái người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trường Hoan, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ về ca mổ lấy sỏi thận của anh T. trước đó.

Thận trái chi chít sỏi

Anh N.A.T. (26 tuổi, nhà ở Đồng Nai) làm việc tại một siêu thị điện máy ở TP.HCM. Ngoài thời gian làm việc chính thức, anh thường xuyên tăng ca tối để vận chuyển, kiểm kê hàng nhập/xuất kho của siêu thị. Công việc bận rộn nên anh đã quen với những bữa cơm mua ngoài “cho xong bữa” và uống ít nước, nhịn đi tiểu trong giờ làm, chỉ đi tiểu khi bụng đau, căng tức.

Khi mang vác, vận chuyển hàng hóa của siêu thị, anh T. thường thấy đau âm ỉ tại vùng hông dưới bên trái, đi tiểu thấy có máu. Tuy nhiên, lúc ngồi một chỗ làm việc hay đi lại nhẹ nhàng thì không đau, không tiểu máu nên anh nghĩ do ảnh hưởng của vết mổ ruột thừa 10 năm trước nên đã đến viện khám.

Bác sĩ Hoan cho biết kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) thấy trong bể thận trái của anh T. có rất nhiều sỏi đủ kích thước. Ngoài ra, nồng độ bạch cầu trong nước tiểu tăng là dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiểu nhưng người bệnh chưa có biểu hiện sốt, rét run.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Được biết, bệnh nhân có tiền sử mổ ruột thừa, tán sỏi thận và niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) bên phải. Trong lần khám này, do số lượng sỏi quá lớn, nên các bác sĩ đã chỉ định mổ mở.

Các bác sĩ tạo một đường mổ chéo dài 15cm tại hông trái, cẩn thận bóc tách, tiếp cận thận trái của người bệnh. Sau 150 phút, ê kíp mổ lấy hết sỏi trong thận trái người bệnh.

Theo quan sát, viên sỏi lớn nhất là sỏi san hô có nhiều nhánh, kích thước 5cm (cỡ quả trứng gà). Khoảng 5-6 viên sỏi kích thước khoảng 1cm và hàng trăm viên sỏi nhỏ hơn với đủ kích thước, hình dạng. 3 ngày sau mổ, anh T. phục hồi, ăn uống, đi lại bình thường, chỉ hơi đau nhẹ tại vết mổ. 

Cần làm gì để ngăn ngừa sỏi thận

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Được biết, 3 năm trước, anh từng “lên bàn mổ” điều trị sỏi thận phải bằng phương pháp tán sỏi qua da. Vì vậy, anh T. không ngạc nhiên khi biết trong thận trái mình cũng có sỏi, chỉ bất ngờ số lượng quá lớn. “Sỏi thận là bệnh chung của gia đình tôi. Trong nhà, ngoài tôi ra, mẹ, cô, dì, chú, bác của tôi cũng bị sỏi thận”, anh nói. Anh được bác sĩ khuyên phải uống nhiều nước để tránh tái lại tình trạng bị sỏi thận.

Theo bác sĩ, sỏi tiết niệu nói chung, sỏi thận nói riêng có tính di truyền. Người có sỏi thì người thân ruột thịt của người bệnh cũng dễ bị sỏi hơn.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ trên 8.870 cặp song sinh phát hiện khả năng di truyền sỏi thận lên tới 56%. Một nghiên cứu khác tại Anh cho thấy 35% người bệnh sỏi thận do tăng canxi niệu có nguyên nhân di truyền từ gia đình. Ngoài di truyền, thói quen ăn uống cũng là nguyên nhân hình thành sỏi phổ biến.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên uống nhiều nước (2 - 3 lít/ngày), ăn giảm mặn; giảm dầu mỡ, đạm động vật, thực phẩm giàu oxalat (củ cải trắng, khoai lang, rau chân vịt…); hạn chế nước uống có ga, rượu bia…

Với người cơ địa dễ tạo sỏi hoặc có người nhà có tiền sử điều trị sỏi, cần khám sức khỏe định kỳ 12 tháng/lần để sớm phát hiện, điều trị khi sỏi còn nhỏ.

Khi có dấu hiệu đau hông lưng dữ dội nhất là khi vận động mạnh, tiểu máu, tiểu buốt, tiểu nhiều lần… cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Một chế độ ăn uống hợp lý cũng là nguyên nhân giúp đẩy lùi bệnh sỏi thận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.H (th) ([Tên nguồn])
Bệnh sỏi thận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN