Phát hiện cơ chế hoạt động của gen gây béo phì
Các nhà khoa học tại Hoa Kỳ nghĩ rằng họ có thể đã phát hiện ra một cách chữa bệnh béo phì thông qua việc sửa đổi ADN để làm quá trình trao đổi chất diễn ra để đốt cháy lượng mỡ thừa.
Từ năm 2007, những nhà nghiên cứu đã biết tới 1 loại gen gọi là FTO có liên quan đến béo phì, nhưng họ không biết cách hoạt động và tại sao nó lại liên quan đến tình trạng thèm ăn cùng các vấn đề khác.
Hiện nay, những nhà khoa học đã khám phá ra rằng một bản lỗi của gen này có thể khiến năng lượng do thức ăn cung cấp bị lưu trữ thành mỡ thay vì được đốt cháy. Thí nghiệm gen ở chuột và tế bào của người trong phòng thí nghiệm cho thấy quá trình này có thể đảo ngược, hy vọng sẽ có một loại thuốc hoặc một phương pháp chữa trị "bệnh béo phì" này ở người.
Các mô mỡ nâu hoặc màu be được gọi là "mỡ tốt" đốt cháy calo, trong khi mỡ trắng dự trữ calo. Cơ thể liên tục tạo nên các tế bào mỡ, và có 2 loại gien quyết định xem năng lượng sẽ được chuyển hóa thành mỡ nâu hay trắng.
Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã chặn ảnh hưởng của gen bị lỗi ở chuột, và thấy rằng chúng ốm hơn 50% so với chuột "bình thường", dù ăn chế độ ăn nhiều mỡ. Và chúng cũng đốt cháy được nhiều calo hơn trong khi ngủ.
Trong thí nghiệm trên tế bào người, chặn ảnh hưởng của gen cũng làm tăng năng lượng được đốt cháy trong các tế bào mỡ. Chỉnh sửa gen bị lỗi trong tế bào người trong phòng thí nghiệm cũng khiến chức năng chuyển hóa bình thường trở lại.
Những nhà nghiên cứu cho rằng bị một bản gin lỗi gây ảnh hưởng ít hơn bị cả 2 bản gen lỗi.
Các nhà khoa học tin rằng sẽ có giải pháp chữa bệnh béo phì vào một ngày nào đó (ảnh: Sputnik)
"Béo phì được xem là kết quả của sự mất cân bằng giữa lượng thức ăn chúng ta ăn và bao nhiêu năng lượng chúng ta sử dụng khi vận động, nhưng quan điểm này đã bỏ qua nhân tố di truyền học đối với quá trình trao đổi chất của mỗi cá nhân," giáo sư Manolis Kellis thuộc MIT nói.
Biết được nguyên nhân cơ bản đằng sau hội chứng béo phì có thể cho phép chỉnh sửa gen như một con đường trị liệu cho cá nhân. Bằng cách tiến hành sửa đổi chức năng gen, chúng ta có thể chuyển đổi giữa hấp thụ năng lượng và tiêu hao năng lượng cung cấp, từ đó tạo ra hy vọng mới cho việc chữa trị bệnh béo phì
"Đây là lần đầu tiên, di truyền học đã khám phá ra một cơ chế gây nên bệnh béo phì chưa từng được xem xét trước đó," Melina Claussnitze nói.
Đã có vài loại thuốc trị béo phì trên thị trường, nhưng chúng chỉ được sử dụng để giảm cân trong thời gian ngắn, nhằm vào hoạt động của não bộ và giảm thèm ăn, không thực sự tác động vào hệ thống chuyển hóa.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết cần bao lâu để khám phá này được tận dụng để chế tạo thuốc trị béo phì. Nhưng có thể, nó cũng không phải là loại thuốc "thần kỳ" cho phép con người ăn bao nhiêu nếu muốn mà không tăng cân.
Người thừa hưởng 2 bản gien lỗi (từ cha và mẹ) có cân nặng trung bình nhiều hơn 3,1kg so với người không có gien lỗi. Nhưng nhiều người còn nặng vượt mức này.
Vài công ty đang tìm cách phát triển phương pháp điều trị để kích thích thêm mỡ nâu trong cơ thể người, và khám phá này đã cho thấy một cách tiếp cận mới.
Được biết, béo phì ảnh hưởng đến hơn 500 triệu người trên toàn thế giới và là một nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 1/3 số người lớn bị béo phì và 1/3 người thừa cân ở mức độ vừa phải.