Phát hiện chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay
Các bệnh nhân vào viện với triệu chứng: Nôn ói, đau thượng vị, khó thở, suy hô hấp, sụp mi, không sốt, không rối loạn tri giác.
Tối 3/9, Bộ Y tế cho biết vừa nhận được báo cáo của BV Chợ Rẫy về việc phát hiện một chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum do ăn pate Minh Chay tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam…
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 3/9, cơ sở này đã có báo cáo gửi đến Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và Ban Quản lý ATTP TP HCM về chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum.
Sản phẩm gây ngộ độc cho nhiều người ở Hà Nôi và TP.HCM.
Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiếp nhận 6 bệnh nhân chuyển từ các bệnh viện tỉnh đến điều trị (2 bệnh nhân từ Khánh Hòa, 2 bệnh nhân tử Đồng Nai và 2 bệnh nhân từ Bà Rịa Vũng Tàu). Cả 6 trường hợp bệnh nhân này đều có một số đặc tính lâm sàng giống nhau.
Cụ thể, các bệnh nhân vào viện với triệu chứng: nôn ói, đau thượng vị, khó thở, suy hô hấp, sụp mi, không sốt, không rối loạn tri giác. Kết quả điện cơ thấy tổn thương sợi trục thần kinh; các xét nghiệm thường quy, chức năng gan, thận đều trong giới hạn bình thường.
Qua khai thác bệnh sử, cả 6 bệnh nhân đều khai có ăn pate chay hiệu PATE MINH CHAY trước đó 1 đến 2 ngày.
Sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức hội chẩn liên viện với các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Quân Y 175 và đại diện Ban Quản lý ATTP TP HCM.
Qua buổi hội chẩn được biết thêm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng có tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân cùng một gia đình tại Long An với đặc điểm lâm sàng giống như các trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Buổi hội chẩn đã kết luận: Các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum; các bệnh nhân đều khai có dùng một loại thực phẩm giống nhau.
Chẩn đoán này chủ yếu dựa trên yếu tố lâm sàng điển hình và dịch tễ. Khó có thể xác định bằng việc cấy vi khuẩn (do ngộ độc độc tố của vi khuẩn) hoặc xét nghiệm PCR.
Đặc biệt, kết quả cấy mẫu pate Minh Chay (phần thực phẩm còn lại của tất cả bệnh nhân mang đến) cho thấy dương tính với Clostridium botulinum – vi khuẩn gây ngộ độc ở các bệnh nhân đã được báo cáo trước đó.
Công văn của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, hiện nay có thuốc antitoxin của độc tố botulinum (thuốc giải độc) nhưng không có trên thị trường thuốc trong nước. Thuốc này chỉ có tác dụng hiệu quả đối với bệnh nhân bị ngộ độc trong vòng 01 tuần, nên việc nhập thuốc cần phải nhập trước dự phòng nếu có nguy cơ xuất hiện các trường hợp mới.
Vì thế, Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước về chùm ca ngộ độc độc tố botulinum nói trên để vào cuộc xác định nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời; cùng đó xem xét cho nhập thuốc antitoxin botulinum dự phòng để có thể kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân mới (nếu có).
Được biết, trong các bệnh nhân ngộ độc do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có 3 ca nặng. Các bệnh nhân này dù tỉnh nhưng sức cơ vẫn yếu, trong đó 2 người vẫn đang phải thở máy, sụp mi mắt hoàn toàn.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có gần 1.200 người dân trên địa bàn Thành phố mua sản phẩm pate Minh Chay. Trong đó, đã ghi nhận 26 người có biểu hiện ngộ độc.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo bác sĩ phụ trách điều trị, các bệnh nhân bị ngộ độc do Clostridium botulinum - 1 dạng rất hiếm, mỗi lọ thuốc giải...