Phát hiện bé trai hơn 1 tháng tuổi mắc giang mai bẩm sinh
Bệnh nhi 46 ngày tuổi, ở Hải Dương được gia đình đưa đến BV khám trong tình trạng bong da tay chân, quấy khóc không rõ nguyên nhân.
Bố mẹ bé chia sẻ: Bé là con thứ 2 trong gia đình được mẹ sinh thường ở bệnh viện huyện. Lúc sinh nặng 3kg, bú mẹ hoàn toàn, tăng cân tốt. Bé bị bong da tay, da chân ngay sau sinh. Đặc biệt, khoảng 3 ngày trước đi khám bé khóc quấy nhiều mà không biết nguyên nhân do đâu, vì quá lo lắng và nóng ruột nên gia đình đưa bé đến BV khám.
Bệnh nhi bị giang mai.
Qua lý do đi khám và thực tế thăm khám, bác sĩ thấy có hội chứng nhiễm trùng và tổn thương da là các vết bong da tay, chân. Má trái sẩn đỏ, kích thước khoảng 0,5cm. Miệng có tổn thương loét. Ngoài ra, khám các cơ quan, bộ phận khác không phát hiện gì đặc biệt.
Bằng kinh nghiệm khám chữa bệnh, ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên gia nhi khoa giải thích cho gia đình nguyên nhân gây những bất thường của bé nghĩ nhiều do giang mai bẩm sinh. Sau đó, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm và siêu âm thóp.
Bác sĩ chẩn đoán xác định bé bị giang mai bẩm sinh trong sự lo lắng, bất ngờ của cả gia đình.
Trẻ sơ sinh bị giang mai nguyên nhân do đâu?
Bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai gây nên, hoặc có thể lây truyền qua đường máu. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dung, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc lây qua các vết xước trên da, niêm mạc.
Vậy ở trẻ sơ sinh nguyên nhân bị giang mai do đâu là thắc mắc của rất nhiều người.
Dựa vào yếu tố bé được sinh thường, mẹ không được làm sàng lọc các bệnh lây truyền trước khi mang thai và sinh con, trẻ chưa truyền máu bao giờ, lại có triệu chứng bong da từ lúc mới sinh nên nghĩ nhiều đến bé bị giang mai do đường lây truyền từ mẹ trong quá trình mang thai. Vì vậy, bác sĩ đã khuyên bố mẹ nên làm xét nghiệm giang mai để chẩn đoán nguyên nhân thì bất ngờ cả bố và mẹ đều có kết quả giang mai dương tính.
BSCKI. Dương Ngọc Vân - Chuyên khoa Sản phụ cho biết: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể truyền từ bố mẹ sang con trong lúc mẹ mang thai, sinh nở và cho con bú như bệnh giang mai, HIV, viêm gan B, lậu, chlamydia… Những bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ mà thai nhi còn có nhiều nguy cơ như sinh non, sảy thai, thai chết lưu…
Cách phòng chống bệnh lây nhiễm
Để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm lây truyền sang vợ hoặc chồng, hoặc lây truyền sang con, BS Vân khuyên tất cả các đôi bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, hoặc các cặp vợ chồng trước hoặc trong khi sinh con cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm các bệnh xã hội như sau:
- Nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn một vợ - một chồng.
- Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để sàng lọc các bệnh xã hội lây truyền, việc làm này đặc biệt cần thiết và nên làm với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn để sau kết hôn tránh nghi ngờ nhau do ai mắc bệnh để giữ gìn hạnh phúc gia đình, cũng như bảo đảm an toàn khi sinh con.
- Trước hoặc trong khi mang thai cần đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm sàng lọc các tác nhân lây truyền qua đường tình dục cho cả vợ và chồng. Theo đó, mẹ bầu cần thiết thực hiện các xét nghiệm kiểm tra gồm: Xét nghiệm máu/ nước tiểu, xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi, siêu âm thai.
Đồng thời, mẹ bầu cũng nên làm xét nghiệm kiểm tra, sàng lọc bệnh truyền nhiễm từ mẹ sang con qua các xét nghiệm rubella, viêm gan B/C, HIV, xét nghiệm các bệnh nhiễm lây truyền qua đường tình dục (bệnh giang mai, Chlamydia) để phát hiện bệnh sớm, ngay cả những mẹ bầu sinh con đầu khỏe mạnh hoặc không có dấu hiệu cũng không chủ quan, vì đa số các bệnh lây nhiễm diễn biến thầm lặng.
- Nếu thấy có triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như vết loét, vết sùi, mụn nước mọc bất thường ở vùng sinh dục, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có phương pháp điều trị hoặc điều trị dự phòng thích hợp, tránh lây truyền và để lại hậu quả khôn lường sang con. Từ kết quả khám, bác sĩ sẽ tư vấn cách phòng, điều trị nếu có hoặc tư vấn phương pháp sinh con phù hợp và an toàn nhất.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh lây nhiễm nên thực hiện sinh hoạt an toàn, lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Để tránh lây nhiễm giang mai, mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với máu, hoặc đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi sâu chuỗi mọi vấn đề, nam công nhân ngậm ngùi vào điều trị và lẩm bẩm rằng: Sau lần chữa bệnh này về nhất định sẽ chia tay bạn gái.