Phân biệt trẻ hiếu động với mắc chứng tăng động

Sự kiện: Sống khỏe

Không ít cha mẹ còn chủ quan, ngộ nhận giữa chứng tăng động và hiếu động, khiến trẻ chậm được can thiệp.

Phân biệt trẻ hiếu động với mắc chứng tăng động - 1

Phân biệt trẻ hiếu động với mắc chứng tăng động - Ảnh minh họa

Con hiếu động hay tăng động?

Khác hẳn với cậu con trai đầu hiền lành, đặt đâu ngồi đấy, cậu con trai thứ hai khiến chị Nguyễn Kim Oanh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) phát hoảng vì lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Khi con lên một tuổi, bất kể nơi lạ hay quen, cứ thả tay ra là cậu bé chạy nhảy và nghịch bất kỳ cái gì vớ được. Vợ chồng chị Oanh mừng ra mặt vì cậu em dạn dĩ và hiếu động hơn cậu anh. Thế nhưng tần suất hoạt động của cậu bé ngày càng tăng, đủ các trò nghịch ngợm. Được 18 tháng tuổi, bà nội ngày nào cũng than phiền việc cháu trai luôn chân, luôn tay nghịch không mệt mỏi, chị Oanh đành mang con đi gửi trường tư thục. Tuy nhiên, cho con đi lớp không ngày nào chị không nhận được lời trách móc “thằng bé nghịch quá và không chịu nghe lời cô giáo”. Vợ chồng chị Oanh cũng từng cho con chuyển trường vì không bằng lòng với lời “gợi ý nên cho con đi khám vì bé có dấu hiệu tăng động” của cô giáo phụ trách lớp. Chỉ đến khi chị nhận được điện cô giáo giữa giờ trưa đến đưa con về vì cậu bé xông vào cào cấu rách cả mặt bạn khi tranh giành đồ chơi rồi leo trèo cửa sổ nhất định không chịu xuống, vợ chồng chị đành đưa con đến bệnh viện khám. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ Khoa Tâm bệnh, BV Nhi T.Ư khiến cả hai vợ chồng chị ngỡ ngàng: “Cháu mắc chứng tăng động giảm chú ý, cần điều trị sớm”.

Tương tự, sau rất nhiều lần phải nghe lời phàn nàn, chị Trần Thanh Hằng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) mới chịu đưa con gái 3 tuổi đi khám. Theo lời kể của chị Hằng, bé gái hoạt động rất nhiều, cháu có thể chạy nhảy bất cứ đâu, ở nhà, ra ngoài đường, thậm chí đến nhà một ai đó, dù là người quen hay không quen. Cháu chậm phát triển ngôn ngữ, phát âm khó, kém tập trung, không chịu ngồi yên, chơi bất cứ thứ gì mình thích dù có phải giật từ tay em nhỏ. Cháu nhận thức rất kém, nên khi dạy cháu nói gì đó, cháu chỉ lặp lại lúc đó rồi quên ngay. Có lần, cháu hư bị mẹ phạt bằng cách khoanh tay úp mặt vào tường, cháu làm theo nhưng chỉ được khoảng 5 phút, vẫn tư thế khoanh tay, úp mặt nhưng chân cháu bắt đầu đi men dọc theo bức tường từng chút một. Nếu mẹ có nhắc nhở thì cháu ngưng, sau 2-3 phút lại tiếp tục. Đặc biệt, muốn cháu làm việc gì người lớn thường phải nhắc nhiều lần cháu mới nghe và làm theo. “Dấu hiệu này từ gần 1 năm trước nhưng mỗi khi có ai đặt vấn đề cho cháu đi khám thì mình thường gạt đi vì cho rằng con chỉ hiếu động hơn các bạn một chút mà thôi”, chị Hằng chia sẻ.

Không được điều trị sẽ ảnh hưởng xấu đến tính cách trẻ

Theo Ths. Đào Thị Thủy, Điều dưỡng trưởng Khoa Tâm bệnh, BV Nhi T.Ư, tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi hiếu động quá mức và giảm khả năng tập trung. Nếu trẻ không được điều trị tốt thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Tăng động giảm chú ý là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ và thanh, thiếu niên, với tỉ lệ mắc khoảng 3,5-18,7% trẻ em ở độ tuổi đi học. 70% trẻ em bị bệnh này sẽ kéo dài tới tuổi vị thành niên, 50 - 60% kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bé trai mắc nhiều hơn bé gái (tỉ lệ 3:1).

Cũng theo Ths. Thủy, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường có những biểu hiện như: bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên; thường xuyên chạy nhảy, leo trèo hoặc rời bỏ chỗ ngồi ở nơi cần ngồi yên; trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi; khó khăn khi phải chờ đợi hoặc phải xếp hàng chờ theo thứ tự. Đây là những dấu hiệu tăng vận động. Bên cạnh đó, các dấu hiệu giảm chú ý như: Dễ mất tập trung do tác động bên ngoài; không cẩn thận, không chú ý tỉ mỉ, hay gây sai sót; ít tuân theo sự hướng dẫn, hay làm mất đồ dùng, đồ chơi; thường bỏ dở việc này để làm sang việc khác; trẻ không duy trì chú ý được lâu so với trẻ bình thường cùng tuổi. “Nếu các biểu hiện kéo dài trên 6 tháng và xuất hiện trước 7 tuổi, cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và quan hệ của trẻ ở gia đình, trường học, trẻ có thể bị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý”, Ths. Thủy lưu ý.

Về nguyên nhân gây bệnh, Ths. Thủy cho rằng, chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể do di truyền, bệnh lý khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh. Hoặc cũng có thể xuất phát từ môi trường sống không ổn định: ồn ào, đông đúc, lộn xộn,… Hoặc trẻ bị lôi cuốn vào điện tử, nghiện internet, xem tivi quá nhiều…

Hiện nhiều trẻ phát hiện và can thiệp muộn, nguyên nhân lại từ chính cha mẹ chưa nhìn nhận đúng về chứng tăng động giảm chú ý của trẻ. Theo khuyến cáo của Ths. Thủy, khi nghi ngờ trẻ bị tăng động giảm chú ý, cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ tâm lý để được đánh giá và tư vấn. Trẻ có thể được làm các trắc nghiệm tâm lý về trí tuệ, cảm xúc, hành vi,… để xác định thêm. Đồng thời, các chuyên gia sẽ giúp đỡ trẻ như hoạt động trị liệu, giáo dục đặc biệt... “Vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc tạo môi trường, giáo dục trẻ, tìm sự trợ giúp, chia sẻ”, Ths. Thủy cho biết.

Triệu chứng bệnh tăng động ở người lớn

Nếu thường xuyên có các biểu hiện như bị quá tải, mau quên…có thể bạn cũng đã mắc hội chứng ADHD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chi Bảo (Báo Giao Thông)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN