Phân biệt sốt xuất huyết với viêm phụ khoa

Con gái tôi 17 tuổi, bị sốt 2 ngày nay, sau đó xuất hiện vài chấm đỏ ở chân, tôi chỉ nghĩ cháu bị sốt cao nên phát ban.

Tuy nhiên, cháu lại xuất hiện kinh nguyệt mặc dù chưa đến chu kỳ kinh... Cháu cũng kêu mệt mỏi nhiều nhưng không chịu đi khám. Tôi rất lo lắng, không rõ cháu có bị mắc bệnh phụ khoa không?

Lê Thị Hạnh (TP.Hồ Chí Minh)

Phân biệt sốt xuất huyết với viêm phụ khoa - 1

Ảnh minh họa

Các triệu chứng như con gái chị đang gặp, khả năng cháu bị sốt xuất huyết (SXH) là khá cao. Chị có thể kiểm chứng thêm xem xung quanh vùng có ai bị SXH không, cháu có từng đi đến các nơi có dịch SXH hay không. Nếu có thì chính xác là cháu bị SXH. Tuy nhiên, với các triệu chứng như cháu gặp, sốt cao, xuất huyết thì dù bị bệnh gì, cháu cũng cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Bệnh viện sẽ có cách kiểm tra rất nhanh để biết cháu có thực bị SXH hay không và có cách xử lý đúng.

Bệnh SXH ở người lớn hiện nay ngày càng gia tăng. Đó có thể do môi trường ô nhiễm, mật độ dân cư đông, tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Người lớn cũng thường di chuyển nhiều, tới các vùng có dịch hoặc chủ quan để bị muỗi đốt.

Các triệu chứng ở người lớn cũng khác trẻ em, thời gian sốt dài hơn (từ 7-10 ngày), có người có xuất huyết dưới da, nhưng có người bị bầm tím các mảng lớn sau đụng chạm nhẹ, chảy máu răng tự nhiên hay máu mũi tự nhiên, nôn ra máu, tiêu ra máu. Đặc biệt, ở nữ giới có hiện tượng chảy máu âm đạo. Điều này dễ gây nhầm lẫn là có kinh nguyệt hoặc không đúng chu kỳ thì lại nghi ngờ bị bệnh phụ khoa, đi khám phụ sản… Một vài thống kê cho thấy, tỷ lệ xuất huyết nặng ở người lớn là 50%, còn trẻ em chỉ 6,2%) và thường gặp là xuất huyết âm đạo (hơn 50% so với trẻ em 0%), chân răng (48% so với trẻ em có 10%). Trẻ em mắc SXH có hiểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, nhưng người lớn lại bị xuất huyết nhiều, ít sốc và sốt cao hơn. Do đó, nếu dễ biến chứng nặng hơn ở trẻ nhỏ.

Điều này là do người lớn thường chủ quan với sức khỏe của mình, không đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời khi gặp các triệu chứng xuất huyết. Nếu để chậm, bệnh nhân có thể bị xuất huyết toàn thân như nôn ra máu tươi, tiêu ra máu, xuất huyết dưới da, sốc và trụy tim mạch. Nếu không được truyền máu và truyền đủ máu thì bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong.

Khi bị sốt cao, có một trong các biểu hiện xuất huyết thì người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN