Phải xin về chờ chết vì dùng thuốc nam chữa viêm gan B
Không ít người bị bệnh gan bỏ điều trị, tự ý dùng thuốc nam theo lời đồn thổi và cuối cùng là xin về chờ chết.
BS.Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới cảnh báo tình trạng dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc là hủy hoại sức khỏe. Thực tế có nhiều bệnh nhân mắc viêm gan B đã tự ý bỏ điều trị, nghe theo lời đồn thổi và lãnh hậu quả.
Bệnh nhân buộc phải xin về chờ chết vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Gần đây nhất Khoa Cấp cứu tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.H (43 tuổi, Hà Nội) được đưa vào viện trong tình trạng suy gan nặng.
Trước đó, bệnh nhân này bị viêm gan B mạn tính suốt 20 năm nhưng vẫn sống khỏe mạnh do điều trị thuốc kháng virus viêm gan. Do anh H. chán nản vì phải sống chung với thuốc suốt đời nên anh tự ý bỏ điều trị, dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Sau 2 tháng uống thuốc nam, anh H. thấy người mệt mỏi dần, chán ăn, vàng da vàng mắt, tri giác lơ mơ. Vào viện trong tình trạng suy gan nặng, đã được điều trị tích cực nhưng tình trạng suy gan không hồi phục và gia đình đành xin bệnh nhân về để chết.
Trường hợp khác là bà N.T.L, ngoài 60 tuổi ở Nam Định cũng phát hiện viêm gan B 20 năm nay. Bà L. tiến triển thành xơ gan kèm theo bệnh lý tiểu đường. Tuy nhiên sức khỏe của bệnh nhân vẫn ổn định nhờ duy trì tái khám, điều trị theo đơn của thầy thuốc. Bệnh nhân này tự ý cắt thuốc nam uống, sau đó xuất hiện vàng da vàng mắt, suy gan, hôn mê. Bà L. được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phải thở máy, lọc máu 3 lần, đến nay chức năng gan và tri giác dần hồi phục nhưng vẫn phải điều trị lâu dài.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), những người bệnh nghe theo cách chữa truyền miệng uống loại thuốc này thuốc kia, tự ý bỏ điều trị của bác sĩ như trên không phải là hiếm gặp. Nhiều người may mắn hơn không mất mạng thì cũng phải lại nhập viện trong tình trạng nặng, điều trị khó khăn, tốn kém.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo người dân không nên nghe theo những bài thuốc truyền miệng. Khi có bệnh, cần đi khám và điều trị theo đúng phác đồ, đúng thuốc, tránh tự ý bỏ điều trị, bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, thậm chí là mất mạng.
BS Cấp cũng lưu ý, với người nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính, người bệnh phải uống thuốc kháng virus đều đặn nhằm ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế các biến chứng của bệnh.
Hiện tại uớc tính, Việt Nam có khoảng 10-20 triệu người nhiễm virus viêm gan B và khoảng 5 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Những người này có thể chưa biểu hiện bệnh nhưng cần được sàng lọc phát hiện sớm để có chiến lược dự phòng, tránh bệnh diễn biến nặng hơn. |
Trong những năm gần đây, số lượng người bệnh viêm gan B tại nước ta không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, việc điều trị cho...