Pha máu kiếm lời: y đức thành "nước lã"
Mới đây, có tin đồn về việc pha loãng máu để bán cho bệnh nhân ở Hà Tĩnh. Nếu thật sự có việc pha máu để bán kiếm lời thì đây là sự táng tận lương tâm kinh khủng của những người từng nghiêm chỉnh đọc lời thề của ông tổ ngành y Hippocrates.
Vì sao máu quý?
Máu có hai thành phần cơ bản: huyết tương và huyết cầu. Huyết tương chính là chất lỏng chiếm 54% thể tích máu; huyết cầu gồm nhiều loại tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) chiếm 46% thể tích còn lại. Cần ghi nhận các tỷ lệ hay số liệu về thành phần của máu, vì đây là các con số gần như không đổi hoặc thay đổi rất ít ở cơ thể người khoẻ mạnh, nếu có sự pha loãng máu thì các tỷ lệ sẽ thay đổi (như tỷ lệ huyết cầu sẽ rất thấp so với con số 46% nếu máu pha loãng). Trong huyết tương còn có rất nhiều chất dinh dưỡng và các chất điện giải, thành phần và hàm lượng các chất này gần như không đổi để máu có độ nhớt, tỷ trọng, áp suất thẩm thấu bất biến (nếu các trị số này thay đổi thì hoặc đó là máu lấy ra từ người bị bệnh, hoặc máu dự trữ dùng để truyền đã bị pha loãng).
Máu có nhiều chức năng rất quan trọng như hô hấp, dinh dưỡng, bảo vệ cơ thể (bạch cầu được xem như lực lượng tinh nhuệ), vận chuyển các chất sinh học tối quan trọng như hormon, enzyme… để thống nhất và điều hoà các hoạt động của cơ thể… Chính máu có nhiều chức năng quan trọng như thế nên khi người bệnh bị mất nhiều máu do giải phẫu, do chấn thương… mà số lượng máu trong cơ thể bị thiếu đến mức nguy hiểm thì phải bổ sung máu gọi là truyền máu. Khi đó, máu bổ sung được xem là thuốc đặc biệt và những trường hợp phải dùng đúng thuốc đặc biệt đó là: giảm thể tích máu, điều trị thiếu máu, truyền huyết tương cho người bị thiếu máu hemophilia, cung cấp vài thành phần của máu ngoài hồng cầu…
Ở đây cần nêu trường hợp người bệnh mất máu nhưng lại được chỉ định được dùng “dịch truyền thay thế máu” chứ không phải truyền máu. Dịch truyền thay thế máu là các dung dịch keo chứa các chất có phân tử lượng lớn như dextran có tác dụng tái lập chất lỏng trong máu, và được chỉ định dùng trong trường hợp thiếu máu không nghiêm trọng. Chứ thiếu máu đến độ nghiêm trọng thì chất có thể bổ sung phải là máu và là máu nguyên vẹn, không thể là máu pha loãng.
Có những trường hợp người ta không truyền máu nguyên vẹn mà là bổ sung một hay vài thành phần của máu như bổ sung chỉ riêng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu hay các yếu tố đông máu… Khi đó, các thành phần đã được tách riêng từ máu lấy từ ngân hàng máu được xử lý theo quy trình vô trùng nghiêm ngặt để cung cấp cho cơ thể người bệnh. Chứ hoàn toàn không có việc “pha loãng máu” dành cho truyền máu.
Làm sao nhận biết máu truyền đã bị pha loãng? Nhìn bằng mắt thường thì không thể nào biết được, nhưng tìm cách đo tỷ lệ thể tích huyết cầu thì có thể nhận ra (trong bệnh viện đo bằng cách quay máu ly tâm trong ống Hematocrite). |
Pha máu, loãng y đức
Truyền máu là việc làm giống như sử dụng con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc bổ sung chất vô cùng quý là máu, cũng có thể đưa vào cơ thể người bệnh các mầm bệnh vô cùng độc hại và nguy cơ xảy ra tai biến do truyền máu. Chính vì thế, việc lấy máu từ người hiến và bảo quản, dự trữ, sau đó truyền cho người nhận là người bệnh đều có các quy trình thao tác chuẩn rất khắt khe nhằm bảo đảm điều tối hậu là “an toàn truyền máu”. An toàn về chất lượng sản phẩm máu bắt đầu từ người hiến máu, phải sàng lọc để máu hoàn toàn vô trùng, không chứa các mầm bệnh (như HIV, siêu vi B, siêu vi C, giang mai…), xác định loại máu nào (A, B, AB, O, Rh+, Rh-…) Việc sàng lọc trước khi máu được truyền cho người bệnh là vô cùng quan trọng để bảo đảm người bệnh không bị truyền nhầm máu và không khốn đốn do máu truyền nhiễm mầm bệnh. Thế mà nay lại có tin đồn là có nhà chuyên môn pha loãng lương tâm bằng cách pha máu bán cho người bệnh! Việc làm này nếu có chỉ vì lợi nhuận, bởi trên thế giới cho tới nay chưa có chỉ định gọi là pha loãng máu để truyền cho bệnh nhân.
Bệnh nhân dùng máu pha thật là bi thảm. (Ảnh minh họa)
Theo nguồn tin, người pha loãng máu cũng có chút hiểu biết là dùng nước muối sinh lý (tức dung dịch NaCl 0,9%) để pha nhằm không làm thay đổi áp suất thẩm thấu của máu (NaCl 0,9% đẳng trương tức cùng áp suất thẩm thấu với máu). Nhưng họ quên các điều cơ bản khác: thủ thuật pha loãng có tuyệt đối vô trùng (ở các nước tiên tiến, người pha loãng dịch truyền chứa thuốc trị ung thư truyền cho người bệnh phải là dược sĩ lâm sàng và phải tuân thủ quy trình thao tác vô trùng), việc pha loãng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân khốn khó đang cần truyền máu thực thụ…